Máy rút tiền đời mới nhận dạng qua sinh trắc học. |
Tại diễn đàn công nghệ thường niên lần thứ 14 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản hôm 14/5, hãng Fujitsu của Nhật Bản trình làng nhiều công nghệ và dịch vụ dựa trên nền tảng Điện toán Đám mây, thu hút sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh và học thuật cả trong lẫn ngoài nước.
Đáng chú ý nhất là đóng góp của công nghệ này trong lĩnh vực ngân hàng, tạo nên cuộc cách mạng trong hoạt động quản lý tại các nhà băng khi mọi dữ liệu được lưu giữ trên “đám mây.”
Không những thế, với công nghệ điện toán đám mây, các khách hàng giờ đây không cần phải sử dụng đến thẻ ATM, vốn bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế về công nghệ cũng như độ an toàn bảo mật.
Theo đó, chủ tài khoản sẽ đăng ký thông tin lên máy chủ “đám mây” của ngân hàng, kèm theo các nhận diện về sinh trắc học như dấu vân tay, đồng tử mắt. Sau đó, chủ tài khoản có thể dễ dàng rút tiền tại các máy rút tiền tự động đời mới có khả năng nhận diện thông qua sinh trắc học.
Dịch vụ này cũng giúp khách hàng không cần phải ghi chứng từ tại quầy phục vụ của ngân hàng, tiết giảm thời gian cho cả chủ tài khoản lẫn phía nhà băng. Hiện hệ thống này đã được đưa vào hoạt động tại các ngân hàng tại Nhật Bản.
Ngoài đóng góp cho lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ điện toán đám mây còn được áp dụng trong nông nghiệp, cho các nông trại lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất rau củ, gạo cũng như trong chăn nuôi.
Phát biểu tại diễn đàn, phó chủ tịch Fujitsu, ông Tsuneo Kawatsuma đã nhấn mạnh về sự dịch chuyển mà theo đó, ngày càng có nhiều người chuyển từ lưu giữ dữ liệu trong máy tính cá nhân sang “đám mây.”
Ông Kawatsuma cho biết, Fujitsu đang đang tiến gần tới khoản doanh số trị giá 3 tỷ USD trong lĩnh vực điện toán đám mây trong năm tài khóa 2013.
Năm 2010, con số này mới chỉ là 500 triệu USD, điều đó cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng vượt bậc.
Fujitsu đã thành lập 40 trung tâm dữ liệu, gồm 5 trung tâm dữ liệu có chức năng Điện toán Đám mây nhắm tới thị trường nước ngoài.
Theo Vietnam+