“Rút ruột” tiền tỷ từ Quỹ Bảo hiểm y tế

Giám đốc Phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện An Dương, TP Hải Phòng) bị bắt giam vì trục lợi Quỹ BHYT.
Giám đốc Phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện An Dương, TP Hải Phòng) bị bắt giam vì trục lợi Quỹ BHYT.
TP - Liên tiếp xảy ra các vụ trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) gây “rúng động” dư luận. Hành vi “móc túi” hàng tỷ đồng từ Quỹ BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hàng triệu người.

Giả chứng từ, chữ ký “móc” tiền tỷ

Mới đây, Phòng PC 46 Công an TP Hải Phòng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Khải, Giám đốc PKĐK Nguyễn Bỉnh Khiêm; Hồ Đức Xuân, Đặng Văn Trình (Phó giám đốc); Vương Hồng Diên (nhân viên chẩn đoán hình ảnh, là con rể ông Khải); Đỗ Văn Hưng (nhân viên tiếp nhận hồ sơ). Cùng đó, cơ quan công an đã bắt giữ bà Vũ Thị Đừng, Giám đốc PKĐK Quang Thanh. Theo thông báo sơ bộ, hai PKĐK này đã lập khống chứng từ để thanh toán với cơ quan BHXH như: làm giả chữ ký bệnh nhân; một người ký nhiều chữ ký của nhiều bệnh nhân…

 Sau khi vụ việc xảy ra, BHXH TP Hải Phòng chấm dứt hợp đồng KCB bằng BHYT đối với PKĐK Nguyễn Bỉnh Khiêm và PKĐK Quang Thanh. Theo BHXH TP Hải Phòng, đây là hai PKĐK ngoài công lập, được cơ quan BHXH ký hợp đồng KCB bằng BHYT. 

Qua công tác kiểm tra, giám định hồ sơ, cơ quan BHXH phát hiện những chi phí không đúng quy định và đã thực hiện xuất toán trong 4 năm (từ 2010-2013) tại PKĐK Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 353,8 triệu đồng và tại PKĐK Quang Thanh hơn 846,2 triệu đồng. “Vụ việc đang  điều tra nên mức độ và số tiền trục lợi chưa được cơ quan điều tra công bố và thông báo cụ thể”, lãnh đạo BHXH TP Hải Phòng cho biết.

Còn tại TPHCM, với thủ đoạn mới, nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Q.9, TPHCM đã cấu kết “rút ruột” Quỹ BHYT trục lợi (số người tham gia bị phát hiện lên tới gần 20) gồm đầy đủ các “thành phần” như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên. 

Qua công tác giám định chi phí KCB bằng BHYT quý 2/2014, BHXH TPHCM phát hiện những dấu hiệu bất thường (như hàng loạt toa có cùng nét chữ ký nhận thuốc) trong hồ sơ thanh toán cho người đến khám bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện Q.9. “Đây là vụ rút ruột Quỹ BHYT có tính chất tập thể, liên kết chặt từ bác sĩ đến khoa khám bệnh”, một lãnh đạo BHXH TPHCM nói.

Theo thông tin PV Tiền Phong có được, vụ việc đã được báo cáo với BHXH Việt Nam và BHXH TPHCM quyết định tạm thời chưa thanh toán 17.092 lượt khám (tương đương 17.092 toa thuốc) với tổng chi phí gần 5,3 tỷ đồng tại Bệnh viện Q.9.

“Chưa dám nói đã hết”

Trả lời PV Tiền Phong về tình trạng trục lợi Quỹ BHYT ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết: “Cũng không dám nói đến giờ đã hết chưa”. Theo ông Sơn, ngoài hai vụ nổi cộm ở Hải Phòng, ngành BHXH còn phát hiện ra tình trạng kê đơn thuốc khống, phối hợp với người lao động để cung cấp mẫu giấy chứng nhận nghỉ ốm rồi lấy thuốc chia nhau ở một số địa phương...

Theo ông Sơn, sau khi vụ việc tại TP Hải Phòng xảy ra, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp (Bộ Y tế ban hành chỉ thị về phòng chống, gian lận, trục lợi Quỹ BHYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tổ chức kiểm tra trên phạm vi cả nước hiện tượng trục lợi Quỹ BHYT). “Hai ngành Y tế và BHXH xác định không khoan nhượng với các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho hay: theo báo cáo, trong năm 2014, hơn 70% dân số đã có BHYT, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thu BHYT đạt trên 53 nghìn tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi KCB cho 140 triệu lượt người với tổng số chi 45.500 tỷ đồng. “Tuy số chi lớn, nhưng theo báo cáo của BHXH Việt Nam, kết thúc năm 2014, ngoài việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cho đến nay Quỹ vẫn kết dư trên 2.500 tỷ đồng”, bà Hương cho biết.

Tại cuộc họp liên ngành mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, biểu hiện của rút ruột BHYT còn có nhiều hình thức như làm giả thẻ bảo hiểm, khai khống hồ sơ... Qua kiểm tra, phát hiện có nhiều trường hợp rút ruột BHYT với số tiền lớn. Tình trạng rút ruột BHYT có thể xảy ra mỗi nơi một khác, nhưng giống nhau ở chỗ là làm thâm hụt Quỹ BHYT. 

“Hậu quả, người được hưởng chính sách BHYT không được hưởng lợi, trong khi lại làm giàu cho những kẻ trục lợi cá nhân một cách bất chính”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Hiện, toàn bộ hệ thống giám định của BHXH “mỏng”, chỉ có khoảng 1.800 người, trong đó chỉ có gần 800 người có trình độ chuyên môn bác sĩ, dược sĩ.        

Liên quan đến vụ trục lợi BHYT tại Hải Phòng, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, qua quá trình kiểm tra, chưa phát hiện cán bộ BHXH Hải Phòng thông đồng với hai phòng khám trên để trục lợi như về góp vốn đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế để hưởng lợi. 

Tổng số tiền quyết toán chi phí KCB BHYT trong 4 năm với PKĐK Nguyễn Bỉnh Khiêm là 15,72 tỷ đồng; PKĐK Quang Thanh là 13,83 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG