Rừng trắc độc nhất có nguy cơ bị xóa sổ

Rừng trắc độc nhất có nguy cơ bị xóa sổ
TP - Rừng đặc dụng Đăk Uy (Kon Tum), nơi lưu giữ nguồn gen gỗ trắc quý hiếm còn lại duy nhất ở Tây Nguyên, đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi lâm tặc.

Tây Nguyên:

Rừng trắc độc nhất có nguy cơ bị xóa sổ

Rừng trắc độc nhất Tây Nguyên trước nguy cơ xóa sổ

Rạng sáng 11-7, hai nhân viên Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Đăk Uy đã bị thương trong khi truy đuổi lâm tặc. Trong đó, anh Nguyễn Xuân Quyết (23 tuổi) có nguy cơ hỏng mắt trái do dính gậy của lâm tặc.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng BQL Rừng đặc dụng Đăk Uy cho biết, nơi đây đã xảy ra nhiều vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, kể cả tấn công vào trụ ở BQL. Điển hình, rạng sáng 18-3, 8 đối tượng đi trên 2 xe máy đến cổng BQL chửi bới, ném gạch đá. Lực lượng quản lý bảo vệ (QLBV) rừng phải điện báo Công an xã Đăk Ma đến can thiệp, nhóm người này mới bỏ đi.

Theo thống kê của BQL, đầu năm đến nay xảy ra 69 vụ phá rừng. Trong đó, lực lượng chức năng 13 lần bắt được lâm tặc, các vụ khác chỉ thu được gỗ vô chủ, với tổng số hơn 26m3 gỗ trắc. Cũng theo ông Dũng, từ khi ông được điều về BQL (tháng 1-2011), ông đã tổ chức lại lực lượng QLBV rừng, đề xuất một số biện pháp quản lý rừng gửi Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Kon Tum, song chưa nhận được hồi âm.

Theo đề xuất của ông Dũng, cần tăng cường lực lượng liên ngành để ngăn chặn tình trạng thu mua, vận chuyển, chế biến gỗ trái phép; quản lý chặt các đối tượng lâm tặc; đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng quản lý rừng; xây tường rào quanh rừng phòng hộ…

Trong khi đó, lâm tặc ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để phá rừng, như dùng cưa tay bôi nhớt để giảm tiếng ồn, cắt một phần tiết diện cây, chờ mưa gió gây gẫy ngã để lấy gỗ… Chế tài xử lý các đối tượng vi phạm lại không đủ tính răn đe.

Theo quy định của pháp luật, do là gỗ của rừng nên đối tượng khai thác trái phép từ 5m3 gỗ trắc trở lên (trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng theo giá thị trường - PV) mới bị xử lý hình sự, dưới mức đó chỉ có thể xử lý hành chính.

Theo ông Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà, rừng trắc Đăk Uy là tài nguyên vô giá của quốc gia. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum và huyện Đăk Hà đang bàn một số phương án QLBV, khai thác khu rừng theo hướng sẽ giao cho một chủ thể rõ ràng; đảm bảo họ vừa có trách nhiệm, vừa có thể khai thác được tài nguyên thiên nhiên mà vẫn bảo tồn được gỗ trắc và những nguồn gen quý ở đây.

Rừng đặc dụng Đăk Uy được UBND tỉnh Kon Tum ký quyết định thành lập năm 1993, diện tích 6.900 ha, thuộc địa bàn 2 xã Đăk Ma và Đăk Rinh (Đăk Hà). Ngoài gỗ trắc mọc dày đặc, rừng còn có nhiều loài đặc hữu quý hiếm như gỗ hương, sao đen, các loài thú như công, trĩ, khỉ mặt chó, vượn đen đông bắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG