Dọc trên các tuyến phố Lạc Long Quân, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, đường Láng, Hồ Tùng Mậu… những hàng bán dừa thương hiệu Bến Tre chen nhau. Phần lớn dừa bày bán tại đây đều được gọt lớp vỏ xanh bên ngoài, và có màu trắng phau, với giá mỗi quả dao động 15.000 - 20.000 đồng. Điểm chung của các hàng này là bên cạnh đống dừa luôn có chậu nước, được chủ quán nói rằng là nước sạch.
Tại cửa hàng bán dừa của chị T. trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, những quả dừa sau khi gọt vỏ trắng phau bày trên quầy luôn thu hút khách ghé mua. Những khách qua đường hầu hết lấy dừa gọt sẵn thay vì mất công chờ bổ. Chị T. cho biết mỗi ngày chị bán hàng trăm quả dừa, ngoài ra còn đi giao buôn cho các quán cà phê, quán nước lân cận. Khi hỏi vì sao dừa gọt ra cứ phải ngâm trong chậu nước, chị T. bực dọc: “Dừa nào mà chả phải ngâm nước cho đỡ thâm, chứ quả màu đen xì thì ai dám uống!”.
Còn trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), một người bán liên tiếp gọt dừa, sau đó nhúng từng quả vào một chậu nước lớn rồi đặt lên bàn bày bán. Quả dừa chuyển từ màu thâm đen trở nên trắng phau. Số còn lại, anh này bỏ vào bao và chở đến các hàng nước.
Dừa sau khi ngâm trong thùng nước có màu trắng phau. Ảnh: Ngọc Lan.
Chủ quán khá lúng túng khi được hỏi về những quả dừa có vỏ trắng. “Dừa sau khi bổ vỏ thường thâm đen lại, thậm chí để lâu khách hàng tưởng là dừa mốc, nên phải ngâm nước để giữ màu trắng được lâu hơn”, anh giải thích. Sau khi đóng bao hơn 30 quả dừa lên xe, người này bê chậu nước to vào khuất phía trong.
Khi chủ đi vắng, quán chỉ còn lại 2 nhân viên bán trà đá kiêm bổ dừa. Lúc này, dừa không được bày sẵn mà để nguyên cả quả. Một trong hai nhân viên cho biết, chậu nước dùng để ngâm dừa là "thuốc tẩy javel với phèn hòa tan". Cũng theo 2 nhân viên này, loại nước này giống như thuốc tẩy trắng quần áo, nhưng dưới dạng bột, không mùi, không vị.
Nhân viên trẻ tuổi hơn (sinh năm 90) chia sẻ, dừa gọt vỏ xong vài phút là thâm đen, nhưng chỉ cần nhúng qua thuốc tẩy là trắng phau, để đến bao giờ cũng được. Người này phân trần: “Thật ra ngâm vào nước đấy chẳng sao cả, mình uống nước ở trong còn thuốc tẩy chỉ ngấm vào vỏ ngoài”. Tuy nhiên, nhân viên lớn tuổi hơn phản đối: “Đừng nghe nó, vì thuốc tẩy đấy ngấm vào trong cực độc…”.
Thấy khách băn khoăn lý do vì sao họ biết thuốc tẩy độc mà vẫn dùng ngâm dừa, người này cho biết: "Dừa ngâm thuốc tẩy chỉ bán cho hàng nước lớn nên vỏ phải màu trắng, chứ nhìn quả dừa đen xì ai dám uống?".
Theo giới thiệu của hai nhân viên này, đây là loại dừa có xuất xứ từ Bến Tre, được chở ra ngoài Hà Nội để bán với giá 20.000 đồng/quả. Trung bình mỗi ngày quán bán được khoảng 100 - 200 quả, thời điểm nắng nóng lượng bán có thể tăng gấp đôi. Một nhân viên cho hay, bổ dừa mất nhiều thời gian nên ngày đông khách phải làm trước để phục vụ cho kịp.
Ngoài bán cho khách lẻ, quán này còn đem giao cho các hàng nước lớn trong khu vực. Mỗi lần đến hơn 100 quả, thậm chí 300 quả liền lúc. Hầu hết, trước khi giao cho nhà hàng, dừa phải được bổ hết lớp vỏ màu xanh, sau đó ngâm nước cho vỏ trắng, để ráo.
Dung dịch trong thau không màu, không mùi nên ít khách có thể biết chúng có chứa chất tẩy trắng javel. Ảnh: Ngọc Lan.
Chị Trang (Tây Hồ, Hà Nội), ngày nào đi làm về cũng ghé lại quán này mua nước dừa uống. Chị cho biết, dừa Bến Tre quả nhỏ nên uống rất ngọt. Ngày thường, chị thường lấy dừa bổ sẵn có cùi màu trắng để về tiện dùng. “Cũng nhiều lần thắc mắc làm sao quả dừa mình bổ ra để một lát là màu thâm đen, trong khi dừa mua trên phố để đến 2 ngày vẫn trắng. Nhưng uống thấy bình thường, mùi vị ổn nên không mấy bận tâm”, chị Trang chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, javel là chất sát trùng cực kỳ độc hại, sinh ra khí clo rất mạnh nên có thể gây hại trực tiếp đến người sử dụng. Tuy nhiên, về nguyên tắc chất này có mùi hắc khó chịu và không tồn tại ở dạng bột.
Ông cũng chia sẻ, có một bí kíp để giữ cho hoa quả sau khi gọt không bị thâm đen là dùng chất natri sunfit và oxy già. "Sau khi nhúng dừa qua dung dịch này, vỏ dừa sẽ được sát trùng và làm sạch, có màu trắng phau. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng với lượng nhỏ, và sau khi nhúng dừa phải được rửa lại bằng nước sạch". Cũng theo ông Thịnh, cách tốt nhất để giữ vỏ dừa màu trắng là nên sử dụng oxy già, vừa có giá thành rẻ lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Ngọc Lan