Rừng giữa khu dân cư

Rừng giữa khu dân cư
TP - Giữa bốn bề dân cư đông đúc, một cánh rừng nguyên sinh được giữ nguyên vẹn. Người dân xung quanh ai cũng có ý thức bảo vệ sắc xanh đồi Cư H’Lăm, Cư M’gar, Đăk Lăk, bởi đó là rừng thiêng.

Đồi Cư H’Lăm thơ mộng và xanh mát quanh năm. Giao thời Đông Xuân, hàng trăm loài hoa lá hoang dại đua nhau khoe sắc rực rỡ tạo nên khung cảnh huyền hoặc, hấp dẫn . Người dân ở thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) gọi đồi Cư H’Lăm là Rừng Thiêng, không ai vào chặt hay phá hoại cây rừng.

Cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 13km và cách UBND thị trấn Ea Pôk chưa tới 1km, bao quanh là các Buôn Mắp, Buôn Bôk, Buôn Lang, Ea Súc … đồi Cư H’Lăm luôn được người dân canh giữ, không cho ai xâm phạm. Cánh rừng già nguyên sinh tồn tại tự nhiên giữa khu dân cư đông đúc.

Với diện tích khoảng 19 ha, đồi Cư H’Lăm có rất nhiều loài gỗ quý như: sao đỏ, cà te, hương, gụ mật… Có cây to 6-7 người ôm mới xuể. Cách đây hai năm sau khi cơn bão số 9 số 11 đi qua khiến nhiều cây xoan đào gãy đổ, Công ty cà phê Ea Pôk xin giấy phép từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk để thu dọn cây và làm vệ sinh cho rừng Cư H’Lăm. Nhưng do không báo cho người dân ở đây biết nên cả làng kéo ra bao vây vì sợ họ khai thác rừng. Đến khi công ty này đưa giấy phép ra, người dân mới cho phép vào rừng dọn cây đổ.

“Mấy chục năm nay đồi Cư H’Lăm chưa bị chặt mất một cây rừng nào. Ai phá rừng sẽ bị làng phạt, nặng thì đuổi ra khỏi làng. Trong các ngày lễ tết, có rất nhiều đôi trai gái dẫn nhau lên đồi tâm tình, hát điệu aya, nhảy múa và hái hoa Mnga Tong Bi tặng nhau, hứa hẹn ân tình. Rừng được yên thì dân mới tránh được mọi hiểm họa”, ông Y Luh Niê - Trưởng ban Mặt trận Buôn Mắp nói.

Từ những năm 2002, một số cánh rừng ở Đăk Nia (thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông) bị tàn phá trầm trọng. Đến khi làng cũ chỉ còn lại một vài cổ thụ thì người dân mới cảm thấy lo sợ. Từ đó, người dân các bon (tức buôn, làng, gọi theo tiếng M’Nông) ở Đăk Nia ra sức bảo vệ rừng như một hành động “chuộc lỗi”. Những người trước đây từng là “lâm tặc”, nay lại gác rừng tích cực nhất. Chính hai bon N’Jriêng và Srê Úh là nơi đi tiên phong cam kết từ bỏ việc phá rừng và nhận rừng để tự bảo vệ. Họ trở thành cộng đồng giữ rừng hiệu quả với trên 1.000 ha.

Anh K’Tinh, cán bộ xã Đăk Nia kể: Khoảng năm 1982, có một số người Kinh vào rừng thiêng Đăk Pa ở Bon Tinh Wel Đơm khai thác gỗ sao. Trong lúc kéo gỗ, sợi cáp đứt phăng, cuốn vào cổ khiến hai người chết tại chỗ. Từ đó, rừng thiêng không bị xâm phạm, cây rừng phát triển xum xuê. Năm 2007, ông Chăm – người cùng làng vào rừng chặt gỗ cũng bị làng bắt được, phạt 5 triệu đồng và một con dê. Theo anh K’Tinh, các bon ở Đăk Nia đều có những khu rừng thiêng riêng, có nơi có đến 2-3 khu rừng thiêng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG