Chỉ riêng 5 tỉnh Tây Nguyên, bình quân cứ mỗi năm lại mất tới hơn 1.000 ha rừng. Chưa kể tới chất lượng rừng suy giảm hẳn. Và từ rừng tự nhiên giàu bỗng chuyển sang rừng nghèo xơ xác, rừng trồng đơn điệu. Rừng ngày càng lùi xa.
Tôi ám ảnh mãi về những giọt nước mắt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại Hội nghị Chính phủ lần đầu tiên tổ chức trên Tây Nguyên 2 thập kỷ trước. Khi nhắc tới dân di cư tự do, trên bục phát biểu, ông nghẹn lời hỏi: Các đồng chí bảo họ phá rừng, nên phải xúc trả họ về quê cũ? Các đồng chí có biết vì sao họ phải rời nơi chôn nhau cắt rốn ra đi không?
Họ có phải là đồng bào mình không? Lỗi của Chính phủ, là đã không chủ động chuẩn bị được trước các phương án di dân. Ðất nước thống nhất rồi, dân chuyển về nơi có thể kiếm sống được, tự nhiên như nước đổ về chỗ trũng. Ta phải giữ rừng bằng những phương cách khác, chứ đâu thể bằng cách đẩy đuổi dân đi?
Ðiểm lại các nguyên nhân mất rừng suốt mấy chục năm qua, ai cũng có thể thấy: Diện tích rừng bị mất do dân nghèo phá rừng lấy đất làm rẫy, không lớn bằng rừng mất đi do những chủ trương sai lầm, và do sự yếu kém của bộ máy thực thi luật pháp! Hàng triệu hecta rừng giàu, quý vô giá trên cả nước bị phá đi theo các kế hoạch và chỉ tiêu trồng sắn, trồng mía, trồng cao su. Rồi sắn, mía, cao su cũng thoi thóp không cứu nổi người...
Vì sao cán bộ có thể dễ dàng chiếm rừng công sản thành của riêng? Vì sao bất kỳ cá nhân nào cũng có thể được cấp dễ dàng hàng nghìn hecta “rừng nghèo” để “làm dự án” ? Hầu hết nơi được gọi là vùng dự án đó, chẳng bao lâu đã hỗn độn chuyện bán mua sang nhượng.
Một số kẻ bỗng dưng giàu lên, bỏ lại nền rừng trơ trọi tan hoang, mà chẳng có ai sợ bị vào tù, vì có khối cách giải trình, thông cảm, xuê xoa, ngâm dầm, cho rơi vào quên lãng. Những mảng rừng còn sót lại, sẽ mất nếu vẫn duy trì tư duy đó, cách làm và cách quản lý đó. Những biệt phủ, biệt thự, trang viên ken dày bê tông mọc lên thế chỗ. Ðể rồi, mai này câu chuyện về rừng bắt đầu: Ngày xửa, ngày xưa...