Sau khi nhận được phản ánh của người dân, sáng 25/2, đích thân Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban cùng lực lượng chức năng quận Sơn Trà đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra tình hình. Lối vào tiểu khu 62 nằm sát ngay đường bê tông, đi một đoạn bắt gặp con đường vừa mới làm rộng chừng ba mét. Cây cối hai bên bị chặt, thiêu rụi, cả khoảng rừng lớn không còn một màu xanh.
Vào sâu bên trong còn có lán trại xây dựng kiên cố cho cả chục người ở. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép, đồng thời tịch thu toàn bộ dụng cụ lao động và giấy tờ tùy thân của những người liên quan, yêu cầu họ về UBND phường Thọ Quang làm việc.
Được biết, lán trại này do ông Nguyễn Văn Tâm làm chủ, chuyển nhượng cho ông Lê Việt Hồng (cùng trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sử dụng.
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: “Ông Lê Việt Hồng cho phát rừng, tạo đường mòn để trồng rừng nhưng chưa có giấy phép cấp đất giao khoán trồng rừng và sự đồng ý của hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn. Hiện tại lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính đồng thời yêu cầu chủ hộ thực hiện việc di dời lán trại, nhân công ra khỏi khu vực bán đảo Sơn Trà. UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng yêu cầu chủ hộ phải có trách nhiệm hoàn trả lại mảng xanh tương đương với diện tích đã chặt phá theo quy định”.
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Điểu cùng các cán bộ sở đã đến tiểu khu 62 kiểm tra, đánh giá tác động của việc chặt phá rừng. Theo ông, để phát rừng, đốt cây, làm đường như vậy thì mất gần cả tháng trời chứ không phải trong ngày một ngày hai.
“Sở dĩ khu vực này gần đường lớn mà không bị phát hiện là do họ không chặt phát các cây lớn, cây bụi ngay lối vào, và có thể việc mở con đường đất bằng cách thủ công chứ không nhờ vào máy móc nên ít ai để ý”. Ông cũng cho biết thêm sẽ báo cáo nhanh về tác động của việc phát rừng lên UBND thành phố Đà Nẵng.
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Điểu (phải) trực tiếp tới hiện trường kiểm tra. Ảnh: Thanh Trần
Anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho hay từ cuối năm 2015, Trung tâm đã phát hiện một số người chặt cây, nhưng do số lượng cây không nhiều và phần lớn là bụi rậm nên nhầm tưởng họ được phép. Sau một thời gian, Trung tâm nhận thấy có dấu hiệu phá rừng khi thấy nhiều cây lớn bị chặt, cây bụi bị đốt cháy, rất nhiều người ra vào khu vực tiểu khu 62 này và dựng luôn lán trại ở trong đó. Trung tâm đã mời Chi cục Bảo vệ môi trường và các đơn vị chức năng khác đến khảo sát hiện trường khu vực trên. Sau quá trình thu thập thông tin, Trung tâm đã phản ánh, báo cáo tình hình tại tiểu khu 62 lên chính quyền các cấp.
Lý giải về việc rừng bị xâm hại cả tháng trời mà lực lượng kiểm lâm không hề hay biết, ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thừa nhận do lực lượng cán bộ của Hạt cho rằng đất rừng này đã giao cho UBND phường quản lý nên chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, kiểm tra.
Chị Lê Thị Trang, Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) bức xúc: “Hành động của những người dân đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đa dạng trên rừng Sơn Trà, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ như voọc chà vá chân nâu, chim, sóc… Trong khi nhiều người đang hằng ngày ra sức bảo vệ, gìn giữ sự đa dạng sinh học của rừng thì họ lại tìm cách phá hoại. Chúng tôi rất mong lực lượng chức năng xử lý nghiêm vụ việc này để răn đe những người khác có ý xâm hại khu rừng”.