Rủi ro, kìm hãm môi trường kinh doanh

GDP phải đến từ sản xuất hàng hóa của cải cho xã hội chứ không phải những hoạt động đầu cơ bong bóng.
GDP phải đến từ sản xuất hàng hóa của cải cho xã hội chứ không phải những hoạt động đầu cơ bong bóng.
TP - Những giao dịch, khoản thu ngầm đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là trong giới bất động sản. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát, hạn chế giao dịch tiền mặt, để các hoạt động ngầm sẽ dần minh bạch, con số kinh tế cũng “đàng hoàng”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty CP Vinamit cho biết, hiện “kinh tế ngầm”, với những giao dịch phi chính thức đang rất phổ biến ở rất nhiều lĩnh vực và có thể chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế.

Theo ông Viên, GDP phải đến từ khả năng sản xuất hàng hóa,  tạo ra của cải vật chất cho xã hội; còn việc kinh doanh, mua bán lòng vòng, giống như bong bóng bất động sản bị thổi lên…thì cần xem lại.

Các hoạt động phi chính thức hiện nay, cũng đóng góp cho mức tiêu thụ của thị trường gia tăng. Tuy nhiên, đưa hoạt động trên vào tính GDP cần phải xem xét, bởi đó không phải bản chất của nền kinh tế và cần hạn chế.

Theo ông Viên, hiện Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó kinh doanh địa ốc cũng rất lớn. Đây là một yếu tố, nếu thúc đẩy “kinh tế bong bóng” phát triển quá nhanh, sẽ không tốt cho xã hội.

“Kinh tế ngầm chứa ẩn những rủi ro rất lớn trong tương lai, liệu nhà nước có những chính sách để khống chế  rủi ro đó? Còn nếu không, cần coi chừng, một khi bong bóng nổ, nền kinh tế sẽ sa sút kinh khủng”- ông Viên phân tích.

Chủ tịch Vinamit cho rằng, để thoát “kinh tế ngầm”, cần có những chính sách rõ ràng, công khai, để các thành phần kinh tế có được những “con số đàng hoàng”. Ông lấy thí dụ: Một nông dân và một doanh nghiệp cùng trồng rau. Nông dân sẽ không muốn “lớn” thành doanh nghiệp, bởi, mớ rau đó tiêu thụ sẽ bị thu thuế VAT, còn khi là nông dân, có thể đi bán khắp nơi mà không bị thu thuế VAT.

Liên quan đến “hoạt động ngầm” trong lĩnh vực địa ốc, ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch Cty HUD3 thừa nhận tồn tại, nhưng “kinh tế ngầm” này không nhiều. Bởi lẽ, trước đây, để trốn thuế, thường chủ đầu tư địa ốc sẽ bán nhà ghi trong giá trị hợp đồng thấp hơn giá bán chính thức để thu chênh bên ngoài. Khoản tiền chênh lệch này không được ghi trong hợp đồng có giá trị lớn và nhà nước thất thu một khoản thuế. Tuy nhiên, nay, nhà nước đã có quy định về định giá bất động sản nên hạn chế ít nhiều khoản chênh lệch này.

Theo ông Sơn, nói địa ốc là nơi giữ tiền của các khoản thu “ngầm” sẽ chính xác hơn. Ví dụ như các ngành khác, khi người ta tích lũy được khoản thu “ngầm”  và để đảm bảo an toàn khoản thu này nhất thì đem đầu tư địa ốc. Đầu tư địa ốc có lúc lên, lúc xuống nhưng không bao giờ mất đi.

Dưới góc nhìn của một người am hiểu sâu về kinh tế, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng câu chuyện về “kinh tế ngầm” đang thu hút sự chú ý của dư luận . Nhưng quan điểm của ông Hưng nhấn mạnh: Từ góc độ của Chính phủ và Tổng cục Thống kê, việc tính vào GDP nên xem xét dưới góc độ tính vào kinh tế phi chính thức. Theo ông Hưng, hiện GDP mà chúng ta đang công bố chưa đủ phản ánh quy mô thực sự của nền kinh tế. Còn GDP thực sự là bao nhiêu thì không tính được vì không có thống kê các nguồn thu phi chính thức (có cả doanh nghiệp) hay mỗi người, mỗi gia đình và chắc chắn con số sẽ lớn hơn công bố rất nhiều.

Khánh Huyền

MỚI - NÓNG