Rớt nước mắt nhìn nhà ở xã hội cho thuê

Nhà ở xã hội cho thuê tại CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí bảo trì. Ảnh: Ngọc Châu
Nhà ở xã hội cho thuê tại CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí bảo trì. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Mô hình nhà ở xã hội cho thuê được đầu tư từ ngân sách nhà nước đang bộc lộ những bất cập. Trong khi đó, mô hình do doanh nghiệp đầu tư lại vướng thủ tục cho thuê khiến những người nghèo đô thị tiếp cận rất khó khăn.

Xuống cấp do thiếu tiền bảo trì?

Khu nhà ở xã hội cho thuê CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) gồm 515 căn bao gồm các tòa nhà 6 tầng (không có thang máy). Để thuê khu nhà ở xã hội này, các công chức trên địa bàn Hà Nội phải qua xét hồ sơ chặt chẽ.

Khi thuê được, mức giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cho căn phòng rộng 52m2, khiến không ít cán bộ công chức vui mừng do giá rẻ. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống trong khu nhà.

Bà Nguyễn Doan, tòa CT19A3 cho biết, tình trạng thấm dột thường xuyên xảy ra tại tầng 6 (tầng áp mái). Còn tại các căn hộ, vết nứt chân chim trên tường, trần chỗ nào cũng có. Cửa kính ban công thường xuyên bị ngấm nước. “Khổ nhất là những hôm trời mưa. Nhà để xe tầng một nước tràn vào lênh láng. Trần nhà để xe bong tróc từng mảng. Nhiều hôm đi làm về gửi xe chỉ sợ vữa từ trên trần rơi xuống đầu”, bà Doan nói.

Chất lượng nhà xuống cấp nhưng các hộ dân ở đây vừa nhận được thông báo tăng giá tiền nhà từ 29.100 đồng/m2 lên 38.515 đồng/m2. “Với đơn giá mới, tiền nhà mỗi tháng của gia đình tôi nhảy từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,8 triệu đồng/tháng. Với nhiều người đi làm, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng không có vấn đề gì. Nhưng với những gia đình về hưu thì khoản tiền đó không hề nhỏ”, ông Phạm Thanh Bằng, tòa CT19A1 nói.

Theo ông Bằng, việc tăng giá này khiến nhiều gia đình sẽ phải bỏ suất thuê nhà xã hội chuyển ra thuê ngoài. “Có những gia đình làm việc cách 20 km nhưng họ vẫn ngày ngày đi làm rồi về ở vì giá thuê rẻ. Nhà nước đã tạo ra mô hình nhà ở cho người nghèo thì nên giữ những hỗ trợ cho người nghèo một cách ổn định”, ông Bằng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Vĩnh Nam, Ban Quản lý dự án Phát triển công trình đô thị (Sở Xây dựng), đơn vị vận hành tòa nhà cho biết, hiện nay kinh phí vận hành tòa nhà phụ thuộc vào ngân sách thành phố.

“Mỗi năm chúng tôi phải lập dự toán, sau đó gửi Sở Tài chính, thông qua UBND thành phố. Một năm kinh phí được duyệt khoảng 400 – 500 triệu đồng. Số tiền này không đủ để bảo trì toàn bộ hơn 500 căn hộ tại CT19A. Vì vậy, mỗi năm chúng tôi chỉ bảo trì được một tòa nhà rồi gối đầu các tòa nhà vào những năm tiếp theo”, ông Nam nói.

Khổ vì hồ sơ thuê ngặt nghèo

Nhà ở xã hội Đặng Xá 3 (Gia Lâm, Hà Nội) với hơn 300 căn hộ do doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư hứa hẹn sẽ giải cơn khát về nhà ở cho thuê của người nghèo. Với mức giá 25.000 đồng/tháng (tương đương 1 triệu đồng/tháng/căn hộ rộng 40m2), rất nhiều người dân muốn thuê. Mức giá này rẻ hơn hẳn mô hình nhà ở xã hội do thành phố bỏ tiền đầu tư tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội).

Tuy nhiên, do chưa có Thông tư hướng dẫn thủ tục cho người thuê nhà nên mọi quy định đều áp theo Nghị định 188 về phát triển quản lý nhà xã hội của Chính phủ. Điều này khiến nhiều đối tượng gặp không ít khó khăn trong quá trình làm hồ sơ.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đặng Xá cho biết, các đối tượng muốn thuê nhà ở xã hội phải làm thủ tục, hồ sơ như đối tượng mua nhà xã hội.

“Mô hình nhà ở xã hội do ngân sách thành phố bỏ ra làm thí điểm đã nảy sinh một số bất cập. Điều này sẽ được doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê khắc phục trong dự án của mình để người nghèo đô thị có nhà ở ổn định, chất lượng”.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội)

Cụ thể, sinh viên là đối tượng được thuê nhà nhưng mới nhập trường thì làm sao sinh viên đáp ứng được quy định “phải có đăng ký tạm trú trên một năm mới được thuê nhà”. 

Nhiều người nghèo tại khu vực đô thị lại vướng quy định phải có bảo hiểm xã hội trên 1 năm... Tất cả những điều kiện đó trong hồ sơ đang làm cản trở những đối tượng có nhu cầu. 

Ông Tuấn cho rằng, thời gian tới Bộ Xây dựng nên có thông tư nới điều kiện cho thuê nhà ở xã hội. “Hiện nay, những khu nhà trọ trong nội đô vừa đắt đỏ vừa không đảm bảo chất lượng sống. Mô hình nhà ở xã hội cho thuê do doanh nghiệp làm nằm trong quần thể nhà xã hội bán của doanh nghiệp nên mọi dịch vụ, hạ tầng, chất lượng đều tương đương nhau”, ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG