Hình tượng Rồng được khắc họa tinh xảo thể hiện ước mong của dân làng |
Trường tồn
Đình Hoành Sơn được xây dựng thời trị vì của các vua Lê. Rồng không chỉ xuất hiện nhiều mà còn mang đậm tính dân gian, gần gũi, thân thuộc. Trên 6 bộ vì thuộc khung nhà đình Hoành Sơn, Rồng được khắc họa với mật độ khá dày, có khi liên tiếp tại các vị trí gần nhau, nhất là ở hai bộ vì giữa. Hình ảnh rồng được thể hiện dưới hai dạng, rồng được khắc họa đơn lẻ và rồng kết hợp với các hình tượng khác tạo thành đề tài phức hợp.
Hầu hết trên các cấu kiện gỗ như xà, kẻ, bẩy, cổ nghé, đầu dư… chúng ta đều thấy hình bóng của Rồng đơn lẻ được thể hiện dưới nhiều hình thức như “Rồng ổ”, “Long ẩn vân”… Tại các xà nách của hai bộ vì gian giữa là hình ảnh con rồng có kích thước lớn, mỗi khúc cong được đè lên bởi một hình tròn hoa cúc, mỗi hình khắc một chữ Hán, 5 chữ Hán “Tứ giáp tế tứ duy”, đối xứng bên kia là “Ngũ phương kiêm ngũ phúc”. Phía trên khắc họa “Rồng ổ” với hình ảnh rồng mẹ đang che chở cho đàn con, miệng nhe nanh, giơ móng vuốt sắc nhọn bám lấy đôi râu lớn như tạo thế cho các rồng con ở xung quanh bám vào. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng đến niềm tự hào “Con rồng cháu Tiên” của người Việt.
Hình tượng Rồng ở đình Hoành Sơn truyền tải mong ước của dân làng có đủ sức mạnh, sức khỏe dẻo dai, trường tồn nhằm chế ngự thiên nhiên, chế ngự những cơn “thịnh nộ” đến từ dòng sông Lam, để người dân Hoành Sơn không còn phải nơm nớp lo âu khi mùa mưa lũ tới.
Trong khi đó, trên các bẩy tiền, bẩy hậu, rồng lại được tạo hình theo kiểu “Long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây), các khúc cong của rồng được nghệ nhân điểm thêm các cụm mây, đuôi rồng cũng xoắn lại như mây và tạo thêm các tia sắc, nhọn, bay ra phía sau. Tạo hình này như ngầm khẳng định Rồng là linh vật của tầng trời, đạp mây, cưỡi gió, có sức mạnh vô biên, vừa quyền uy vừa huyền bí, xứng đáng là linh vật truyền tải ước mơ, khát vọng của dân làng đến với đấng tối cao.
Riêng các vị trí đầu dư, cổ nghé, rồng chỉ được thể hiện dưới dạng đầu rồng nhưng cách thể hiện cũng không giống nhau. Rồng ở đầu dư chạm lộng, chạm bong, trong miệng ngậm ngọc. Giáo sư Trần Lâm Biền và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là ngọc/minh châu, là tinh tú hoặc nguồn phát sáng. Những con rồng được tạo tác kiểu này tượng trưng cho tiếng gọi mưa, gọi sự sinh sôi. Nhìn từ dưới lên, thấy rõ các móng của rồng đang giữ chặt một hình tượng như lá đề - biểu tượng của Phật pháp. Ở vị trí cổ nghé, rồng lại được chạm bong, thể hiện rõ một số đặc điểm của rồng như mũi sư tử, trán lạc đà, đao mác tua tủa, trong miệng ngậm chữ Thọ (Long hàm Thọ), phía dưới, hình tượng lá đề tiếp tục xuất hiện. Hình ảnh Rồng và chữ Thọ còn xuất hiện tại bẩy hậu của Đại đình nhưng cách thức thể hiện có hơi khác, miệng rồng ngậm ngọc và hướng về chữ Thọ ở phía trước.
Hình tượng Rồng được khắc họa tinh xảo thể hiện ước mong của dân làng |
Khát vọng
Rất nhiều hình tượng rồng trên các cấu kiện gỗ, tiêu biểu như “Lưỡng long chầu nhật/nguyệt/hổ phù”, “Long ngư hý thủy”, “Tiên cưỡi cá Chép hóa Rồng”… Bước chân vào đình Hoành Sơn, hình ảnh bắt gặp nhiều nhất có lẽ là đề tài “lưỡng long chầu nhật/nguyệt/hổ phù”. Tại y môn trong của gian giữa, đề tài “Lưỡng long chầu nhật” hiện lên với hình ảnh mặt trời được chạm dưới dạng hình tròn lưỡng nghi, bao bọc phía ngoài là các đao mác. Đôi rồng hiện hình nguyên thân, các đao mác rõ rệt ở khuỷu. Dưới bộ rồng này là 5 ô hộc, mỗi ô đều được trang trí ở 4 góc với các đề tài thiêng liêng để làm nền cho 5 chữ: “Hoàng Thượng vạn vạn tuế”.
Cũng đề tài này nhưng lại được thể hiện khá độc đáo trên một cốn cửa vì nách, không phải “lưỡng long” mà “Tứ long chầu nhật”, mỗi bên hai con rồng với đao mác tua tủa đang chầu vào vòng tròn với những tia lửa phát sáng ở phía trên. Các râu rồng đều tập trung hướng về mặt trời. Râu của hai con rồng phía dưới như đỡ lấy mặt trời. Các mảng chạm mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, cầu sinh sôi, phát triển.
Hình tượng Rồng ở đình Hoành Sơn không chỉ phong phú, đa dạng mà còn mang nhiều thông điệp khác nhau. Dù dưới góc độ nào thì Rồng vẫn là một linh vật truyền tải thông điệp về ước mơ, khát vọng của dân làng Hoành Sơn hướng tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thành công. Ngày 25/12/2017, Chính phủ có Quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn cấp Quốc gia đặc biệt.
Tại bức y môn phía ngoài, đề tài “Lưỡng long chầu hổ phù” được chạm trổ tinh xảo với trung tâm là hổ phù cách điệu đội chữ Thọ phía ngoài, mặt trong đội chữ Phúc, hai bên là đôi rồng chạm bong, lộng đang trong tư thế chạy xuống với những đao mác dài. Điểm xuyết trên những đao mác đó là các biểu tượng gắn với lửa để nói lên sức mạnh siêu hình của thần linh.
Ở cốn vì nách của bộ vì gian giữa cũng khắc họa đề tài “Lưỡng long chầu hổ phù”. Hổ phù ở đây đang trong tư thế “ọe mặt trăng” với mong muốn, người dân được mùa lớn, cuộc sống sung túc, ấm no. Theo ông Hồ Mạnh Hà - Phó phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An) cho biết, điều đặc biệt tại đình Hoành Sơn là các con rồng tưởng chừng như xuất hiện đơn lẻ ở một số vị trí nhưng dưới ý đồ của nghệ nhân, chúng lại kết hợp được với nhau để tạo nên một đề tài phức hợp hoàn hảo. Đó là các con rồng ở vị trí đầu dư chầu vào mảng chạm mặt trời/mặt trăng ở bụng của xà lòng hay câu đầu, tạo thành đề tài “Lưỡng long chầu nhật/nguyệt”.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An |
Bên cạnh đó, đề tài “Long ngư hý thủy” cũng xuất hiện ở khá nhiều vị trí khác nhau, với hình ảnh con Rồng ở phía trên phun một dòng nước lớn, phía dưới là cá Chép đang cố gắng vượt lên, đầu đã chuyển hóa thành rồng. Đây là đề tài mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo, truyền tải thông điệp về ước mơ đổi đời, công thành danh toại bằng con đường học vấn của các sỹ tử nghèo ở xứ Nghệ nói chung và làng Hoành Sơn nói riêng.
Tại đình Hoành Sơn có một mảng chạm khắc liên quan đến đề tài này nhưng được thể hiện khá đặc biệt, đó là mảng chạm “Tiên cưỡi cá hóa Rồng” với hình ảnh cô Tiên nữ cưỡi trên lưng con cá Chép đang trong giai đoạn “hóa Rồng”, miệng tươi cười, hai tay ôm chặt thân cá. Hình ảnh này mang ý nghĩa: Rồng tượng trưng cho dương, Tiên nữ là âm - thể hiện khát vọng yêu đương, muôn loại sinh sôi nảy nở theo quan niệm của cư dân lúa nước.
Ngoài ra, có một đề tài thú vị, xuất hiện khá nhiều ở các đình làng phía Bắc nhưng ở Nghệ An mới chỉ xuất hiện ở đình Hoành Sơn. Đó là đề tài “Mả táng hàm Rồng”. Với người dân Hoành Sơn, giấc mơ tìm đất cát vượng theo quan niệm phong thủy để an táng người thân cầu phúc trạch muôn đời là giấc mơ không cụ thể, không của riêng ai mà của chung cho cả dân làng. n