Chị Bé trong 'Đời cát' bây giờ...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn Nguyễn Quang Lập lúc đó đang đứng chân biên tập viên ở NXB Kim Đồng do ông Nguyễn Thắng Vu làm Giám đốc. Một hôm, đang ở Hà Nội gò người biên tập thì chuông reo. Đầu dây từ Đồng Hới Quảng Bình, nhà văn Hữu Phương đồng hương khoe, mới đẻ "Ba người trên sân ga", khoái lắm...

Anh Lập bảo, mình sướng lây, hét to trong máy, thì gửi ngay tui coi răng... Sau đó đọc. Đã thiệt! Rứa là mình nghĩ luôn và làm ngay việc chuyển thể truyện ngắn ni sang kịch bản “Đời cát”... Và vào vai nhân vật Hảo, sao lại chọn cô Trần Thị Bé ở Quảng Trị? Đơn giản, mình có nhiều năm sống ở Thành Cổ Quảng Trị làm Phó cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt. Mình có nghe cô Bé là một vận động viên khuyết tật phúc hậu tài năng ở đất Đông Hà đoạt giải Đông Nam Á... Khổ nỗi, sau nhiều năm mình xa Quảng Trị nên mất thông tin cô này.

Chị Bé trong 'Đời cát' bây giờ... ảnh 1

Chị Bé (bên phải) trong vai cô Hảo phim “Đời cát

NHÂN VẬT HẢO

Lúc chuyển thể từ truyện ngắn “Ba người trên sân ga” sang kịch bản phim, Nguyễn Quang Lập đã thêm vào nhân vật Hảo và Huy (diễn viên Công Ninh đóng), hai nạn nhân điển hình từ cuộc chiến tàn khốc. Một câu nói của Huy, người thương binh trong “Đời cát” với Hảo nghe đến buốt lòng: “Hai đứa cộng lại cũng chỉ có một cái chân, làm sao mà đứng được!”.

Để Công Ninh vào vai Huy cụt một chân, chỉ cần kéo quắp một chân cho vào một chiếc quần rộng ống. Còn vai Hảo cụt cả hai chân, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã lặn lội đi khắp các phòng, sở y tế, các trung tâm phục hồi chức năng, tìm danh sách những người trong vùng đã lắp chân giả, suốt từ Quảng Bình vô Quảng Trị, rồi Huế, Đà Nẵng tìm được yêu cầu này thì lại không đạt yêu cầu khác. Rốt cuộc, bác sĩ Suy ở Trung tâm Phục hồi chức năng Huế nhớ ra một cô gái... Người ấy là chị Trần Thị Bé (SN 1968) ở làng Đại An, Đông Hà, Quảng Trị. Năm đó chị Bé 31 tuổi. Là Hảo của “Đời cát”.

Chị Bé trong 'Đời cát' bây giờ... ảnh 2
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Giải thưởng dành cho “Đời cát”: Giải nhất Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 45 tại Hà Nội (năm 2000). Giải Bông sen vàng tại LHP Việt nam lần thứ 13 (năm 2001). Giải xuất sắc nhất của LHP Việt nam lần thứ 13 dành cho biên kịch Nguyễn Quang Lập; đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; nữ diễn viên chính Hồng Ánh; nữ diễn viên phụ Lan Hà.

Năm 1999, phim “Đời cát” phát hành. Không xoáy sâu vào những khốc liệt của chiến trường bom đạn, “Đời cát” tập trung khắc họa cuộc sống đau thương của những người phải chịu ảnh hưởng từ chiến tranh với những thương tổn không thể nào đong đếm. Đó là câu chuyện về những phận đời nhỏ nhoi mà bất tận, luôn bị xáo trộn nhưng bao giờ cũng trong suốt và gắn bó.

Người đóng Hảo-người phụ nữ cụt hai chân là Trần Thị Bé, tương tự hoàn cảnh của nhân vật, chị Bé là một nạn nhân của chiến tranh. Năm 1972 tại Trại tạm cư Hòa Khánh (Đà Nẵng), một quả lựu đạn phát nổ trong bữa ăn khiến mẹ và 5 người anh chị của chị Bé thiệt mạng, cha bị thương nặng còn chị Bé mất đi đôi chân lúc mới 4 tuổi.

Trong phim, nhân vật Hảo là người đàn bà cụt cả hai chân. Thân phận của người đàn bà này đã nói lên tất cả một cách tự nhiên nhất mà không cần phải diễn xuất về hậu quả chiến tranh mà bối cảnh là những câu chuyện ngổn ngang, giằng xé dữ dội ở một ngôi làng ven biển. Là một diễn viên nghiệp dư, nhưng chị Bé đã trở thành ngôi sao thứ 3 của bộ phim này chỉ sau diễn viên nổi tiếng Hồng Ánh và Mai Hoa.

“Đời cát” đăng quang tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương năm 2000 không thể thiếu phần thể hiện ấn tượng đến day dứt của chị Bé. “Nỗi đau của thời hậu chiến được lột tả chân thực nhất qua đôi chân cụt tới háng của Hảo, người đàn bà vùng cát miền Trung luôn khao khát sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Trong hậu quả khốc liệt của đạn bom để lại, của xứ cát nghèo, gió hất tung bụi lên mặt người dưới cái nắng chang chang, ở Hảo vẫn hiện diện một khát khao sống và hướng đến cuộc sống tốt đẹp”, nhà văn Nguyễn Quang Lập nói.

Chị Bé trong 'Đời cát' bây giờ... ảnh 3
Nơi mưu sinh của chị Bé

HẠT CÁT NGHỊ LỰC

Sau ngày tình cờ trở thành diễn viên, chị Bé trở về và thường nghĩ đến cuộc đời của Hảo. Chị bảo, đã 25 năm rồi tôi vào vai Hảo, mỗi lần nghĩ, tôi lại thấy đời mình giống cô Hảo, vẫn cần một đứa con làm nghị lực mà sống. Rồi chị có đứa con đầu lòng sau bao đêm đắn đo, thao thức. Số tiền thù lao 5 triệu đóng phim chị dành dụm lại để đón đứa con gái đầu lòng chào đời. Con lớn lên một chút, chị lại đổ mồ hôi trên sân tập thể thao và đoạt cú đúp huy chương bạc ở môn đua xe lăn trong hội thao dành cho người khuyết tật cấp tỉnh năm 2003 ở cự ly 3.000m và 800m cùng với huy chương đồng cự ly 400m.

Góp mặt tại giải Para Games khu vực. Cũng năm đó chị Bé được Tổ chức Handicap (Tổ chức phòng chống tàn phế và phục hồi chức năng người tàn tật quốc tế) mời tham gia cuộc diễu hành vòng quanh Luxembourg để truyền cảm hứng tự tin cho những người có số phận kém may... Rồi một nách 3 con nhỏ, chị Bé đành giã từ đường đua, về chọn một góc bên bờ tường MBBank chi nhánh Quảng Trị ngã ba Phan Văn Trị-Quốc lộ 9, phường 1 TP Đông Hà gần nhà của chị ở đường Nguyễn Chí Thanh, khu phố 7 phường 5, để sáng sáng ngồi bán xôi và quà vặt cho học trò Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành cạnh đó.

“Hạnh phúc có được, dù vẫn còn phải ngậm cả những niềm đau riêng, chỉ biết nuốt ngược vào trong, nhưng tôi vẫn bằng lòng, bởi ít nhất tôi đã hạnh phúc hơn cô Hảo trong “Đời cát”, và không còn là một hạt cát nhỏ nhoi bị cuộc đời vùi lấp…”.

Chị TRẦN THỊ BÉ

Chị Bé bảo, niềm vui lớn nhất của chị là các con chị đã lớn lên, ngoan ngoãn, hiểu mẹ và thương mẹ hết mực. Các cháu đứa nào cũng học giỏi, cho dù cuộc sống, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn. Càng thương mẹ, các cháu càng cố gắng trong học tập. Con gái Trần Thị Nguyên Khai (SN 2001), những năm học trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Quảng Trị, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc, được thầy cô, bạn bè quý mến.

Rồi những năm theo học ở Trường Đại học Quốc gia TPHCM luôn là sinh viên học giỏi, giành nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học. Nguyên Khai đã tốt nghiệp đại học ra trường, và đang tiếp tục học cao học ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên. Con trai Trần Đức Thanh Nhuệ (SN 2004) cũng từ trường Chuyên Lê Quý Đôn, được tuyển thẳng vào đại học như chị gái Nguyên Khai. Thanh Nhuệ đang học năm thứ hai tại Đại học Quốc gia TPHCM. “Thanh Nhuệ” là cái tên ghép từ tên hai vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang, kỷ niệm gắn với bộ phim “Đời cát” đã phần nào thay đổi số phận của chị Bé. Cháu trai út là Đức Anh năm nay học lớp Ba, là học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Chị Bé bảo “ba đứa con cùng một bố”, nhưng đó là người đàn ông vắng mặt mà ngay cả cái tên, chị cũng đã phải thề “sống để dạ, chết mang theo”. Trong phim “Đời cát”, Hảo - nhân vật của chị từng lết cặp chân thiếu hụt của mình đến gặp Huy để xin anh một đứa con, thì sau đó, chị Bé cũng quyết đi theo khát vọng đó. Khác chăng trong phim, người đàn ông chị thương đã năm lần bảy lượt từ chối, bằng một câu nói cay đắng đến phũ phàng “Hai đứa cộng lại cũng chỉ có một cái chân, làm sao mà đứng được!”.

Còn ngoài đời, chị Bé đã may mắn nhận được cái gật đầu của người đàn ông mà chị “nhắm”, dĩ nhiên cũng chẳng dễ dàng bởi anh đã vướng đủ bề, để có thể trao cho chị, dù chỉ là lòng trắc ẩn. Chị Bé bảo: “Trước đó chưa bao giờ tôi dám mơ đến hạnh phúc ấy. Đến làm người còn chẳng ra người thì nói chi đến làm mẹ. Nhưng rồi chính “Đời cát” đã gợi ý cho tôi. Nhờ “Đời cát” mà cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn, từ bóng tối ra ánh sáng…”.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.