Rét đậm, rét hại kéo dài: Chủ quan, gây thiệt hại, phải chịu trách nhiệm

Thủ tướng yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân kịp thời các giải pháp chống rét, bảo vệ đàn vật nuôi, thủy sản, cây trồng. Ảnh: Bình Phương.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân kịp thời các giải pháp chống rét, bảo vệ đàn vật nuôi, thủy sản, cây trồng. Ảnh: Bình Phương.
TP - Đợt rét đậm, rét hại, thậm chí xuất hiện băng tuyết kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung bộ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt người dân. Hàng nghìn con trâu, bò bị chết. Nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị chết nhiều do chủ quan, các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Không được chủ quan

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 2/2,  có trên 2.100 con trâu bò bị chết rét, chủ yếu là trâu bò già, nghé và tập trung ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Trong đó, Cao Bằng là tỉnh có số lượng trâu bò chết nhiều nhất với gần 670 con, Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con, Hòa Bình 250 con…

Trước tình hình rét đậm, rét hại có thể kéo dài và khả năng tiếp tục xuất hiện sau Tết tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, cũng ngày 2/2, Thủ tướng đã có công điện, yêu cầu các địa phương nói trên quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại với cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh lập các đoàn công tác đi cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn.

Cùng đó, huy động nguồn nhân lực tại chỗ, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương…để hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, nhất là đối với cây, con giống. Các tỉnh cần lưu ý hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng…

Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ: “Các địa phương  chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản và cây trồng bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống rét, chống dịch cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong đợt rét đậm rét hại. Trong đó, Bộ Y tế phải hướng người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi; đảm bảo cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân.

Chống rét cho gia súc, cây trồng thế nào?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng núi đang ở những ngày rét nhất trong mùa Đông năm nay. Một số khu vực như ở Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hà Giang, Cao Bằng… đã xuất hiện sương muối, băng giá, thậm chí có tuyết rơi. Cục đã có văn bản chỉ đạo, và cử các đoàn công tác đôn đốc, hướng dẫn chống đói, rét cho gia súc ở các địa phương trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Ông Chinh lưu ý, bà con cần theo dõi sát các bản tin thời tiết ở địa phương mình, khi rét dưới 12 độ C thì không thả gia súc ra ngoài trời. Gom trâu, bò đang chăn thả vào chuồng để quây che chắn kín; nền chuồng cần được hót hết phân, bùn cho sạch, giữ ấm cho trâu bò, có thể rải thêm rơm trên nền cho ấm. Đối với trâu, bò già, hoặc bê, nghé mới đẻ, bà con có thể dùng lửa để sưởi ấm, lưu ý để than, lửa ở cuối chuồng, không để trước cửa chuồng có thể làm gia súc khó thở.

Theo ông Chinh, khi di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống thấp để trú tránh rét, bà con lưu ý tìm khu vực kín gió, để ý theo dõi dịch bệnh, đảm bảo lượng thức ăn và vệ sinh chuồng trại. Nếu gia súc bị chết rét, cần báo với chính quyền địa phương để được hỗ trợ.

Trong khi đó, đối với các loại cây trồng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt cho biết, hiện vẫn chưa ghi nhận thiệt hại, tuy nhiên nếu rét đậm, rét hại kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa và hoa màu.

Theo ông Sơn, với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tỉnh miền núi phía Bắc cần tuân thủ theo lịch gieo cấy sau 4/2 (Lập Xuân) trong trường hợp thời tiết ấm lên, nếu đến thời điểm đó, rét đậm rét hại vẫn còn tiếp diễn, bà con nông dân không gieo cấy vội. Còn ở Bắc Trung bộ, hiện các địa phương đã tổ chức gieo mạ vụ Xuân theo đúng lịch thời vụ, tuy nhiên, nếu nhiệt độ xuống thấp (dưới 15 độ C), bà con nên ngừng gieo mạ, đợi qua đợt rét đậm rét hại, thời tiết ấm lên mới tiếp tục giao cấy.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh, gây mưa nhỏ vài nơi ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, các tỉnh Trung Trung bộ có mưa rải rác. Miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế trời tiếp tục rét đậm, rét hại, vùng núi cao có băng giá. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 8-11 độ C, vùng núi 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Đợt rét đậm, rét hại ở Bắc bộ, Bắc trung bộ nhiều khả năng kéo dài đến 7/2 tới.     

Phạm Anh

MỚI - NÓNG