Rạp phim vẫn cửa đóng then cài

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim Không phải lúc chết (No Time to Die) hiện đang ăn khách ở nước ngoài nhưng vẫn chưa được chiếu tại Việt Nam
Cảnh trong phim Không phải lúc chết (No Time to Die) hiện đang ăn khách ở nước ngoài nhưng vẫn chưa được chiếu tại Việt Nam
TP - Tới thời điểm này, nhiều ngành nghề kinh doanh tại TPHCM đã chính thức được phép mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên một số ngành thuộc lĩnh vực văn hoá giải trí vẫn phải ở trong tình trạng “cửa đóng then cài” bởi chưa được phép mở cửa, trong đó có ngành sản xuất và kinh doanh phim.

Phim Việt cho mùa cuối 2021: Sẽ chỉ là phim cũ

Một khó khăn cho những nhà chuyên làm phim dành cho mùa Tết là năm nay, cao điểm giãn cách do dịch bệnh do COVID-19 gây ra đã kéo dài từ đầu tháng 5 cho tới hết tháng 9. Đây cũng chính là thời điểm các nhà làm phim tập trung triển khai các hoạt động chính cho sản xuất phim Tết như tổ chức quay, làm hậu kỳ, quảng bá.

Tuy nhiên do giãn cách, các kế hoạch làm phim hoàn toàn phá sản. Với nhiều nhà làm phim, đợt phim dành cho mùa cuối năm và mùa Tết năm 2022 sẽ chỉ là những bộ phim đã sản xuất từ một vài năm, từng bị hoãn chiếu do đại dịch. Cụ thể, các bộ phim như Bẫy ngọt ngào (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư), Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), Rừng thế mạng (đạo diễn Huỳnh Hữu Tấn), 578-Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng)… sẽ “gặp” khán giả sau thời gian dài chờ đợi.

Ngoài ra, một số phim dù đã lên kế hoạch sản xuất chiếu vào dịp Tết 2022 như Lật mặt 6 (đạo diễn Lý Hải), Mai (Trấn Thành) cũng phải tạm dừng lại… Theo thống kê của trang tổng hợp phim Box Office Vietnam, hiện có khoảng 15 bộ phim chiếu rạp đã được quảng bá nhưng phải ngưng lại và đang chờ lịch phát hành mới sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại TPHCM.

Với những bộ phim bom tấn đang “làm mưa làm gió” ở nhiều thị trường phim trên thế giới như Fast & Furious 9, Góa phụ đen (Black Widow), Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân, Xứ cát (Dune), Không phải lúc chết (No Time to Die), Venom 2: Đối mặt tử thù... các nhà kinh doanh phim Việt đã đặt hàng để đưa về Việt Nam.

Tuy nhiên, các rạp phim (nhất là các rạp tại thị trường phim TPHCM, nơi chiếm tới trên 50% doanh thu) vẫn đóng cửa, khiến các nhà làm phim lo lắng. Chờ tới khi các rạp phim mở cửa, sức nóng của các bộ phim bom tấn kia sẽ không còn. Và như thế, đồng nghĩa doanh thu sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của hệ thống rạp CGV cho hay, các rạp phim đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gần hai năm qua. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng không, hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua, nên nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, nguy cơ phá sản là điều có thể thấy trước mắt.

Gắng gượng chờ ngày mở cửa

Rạp phim vẫn cửa đóng then cài ảnh 1

Rạp phim Lotte tại toà nhà Cantavil (TP Thủ Đức) vắng bóng người (Ảnh chụp chiều 15/10)

Trong phụ lục Chỉ thị 18 quy định, các hoạt động tập trung trong nhà tối đa chỉ 10 người (trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì tối đa là 60 người). Với việc tập trung hoạt động ngoài trời, tối đa là 15 người (trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì tối đa là 90 người).

Theo đạo diễn Lam Tran, đây là quy định làm khó các nhà làm phim, bởi để sản xuất một trường đoạn phim, nhân lực sản xuất ít nhất phải trên 30 người nhưng trong thời gian vừa qua, nhân sự các đoàn làm phim không nằm trong diện ưu tiên được tiêm vắc xin. Vì thế, rất khó để các đoàn làm phim có thể quy tập được số người đảm bảo như Chỉ thị 18 để tiếp tục sản xuất phim.

Trong bối cảnh rạp phim chưa được mở cửa, làm phim gặp khó, các nhà kinh doanh, sản xuất phim cố gắng tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Các hệ thống rạp phim vì doanh thu bằng không nên đa số áp dụng nhiều biện pháp nhằm tối giảm chi phí (giảm lương nhân viên, tiết kiệm chi phí không cần thiết…).

Bên cạnh đó, hệ thống rạp phim tại Việt Nam đều triển khai phát triển các nội dung trực tuyến trên các kênh mạng xã hội. Chuỗi rạp BDH xây dựng trang trực tuyến với các bài viết có nội dung liên quan đến thời sự để thu hút người xem. Trang web của hệ thống rạp CGV, Lotte chọn đăng những bài viết, clip hướng tới nội dung thiên về phong cách sống hay dạy nấu ăn, làm bánh, du lịch. Một số nhà sản xuất phim kết nối với các trang chuyên phim để chiếu lại những bộ phim cũ họ đang sở hữu…

Theo đánh giá của đại diện quản lý hệ thống rạp BHD, doanh thu từ các chương trình trực tuyến gần như không có, chủ yếu các nhà làm phim, kinh doanh phim xây dựng trang nhằm duy trì, kết nối với khán giả và giữ thương hiệu.

“Chúng tôi chỉ mong các rạp được phép mở cửa sớm bởi mùa phim cuối năm đã cận kề. Nếu không sớm đưa vào hoạt động thì cơ hội phục hồi thị trường phim sẽ rất khó khăn”, đại diện hệ thống BHD cho biết.

Hiện các rạp đều xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh khi mở cửa. Theo đại diện hệ thống rạp CGV, khi rạp phim được mở cửa, CGV sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc 5K cùng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế như: Tiến hành xịt khử khuẩn cho rạp thường xuyên bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên và khách trong các rạp phim, chỉ bán vé cho khách đã có “Thẻ xanh COVID-19”, đo thân nhiệt cho khách vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách trong phòng chiếu theo đúng quy định. Hệ thống rạp chiếu phim cũng thành lập các tổ an toàn phòng chống COVID-19 và tập huấn cho nhân viên về công tác phòng chống, phản ứng nhanh khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.