Nạn nhân 2 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng chất độc đã làm tổn thương đa cơ quan nội tạng, trong đó nghiêm trọng nhất là chứng suy gan, thận cấp.
"Các xét nghiệm cho thấy, máu của bé đã bị nhiễm độc nghiêm trọng gây trụy tim, suy hô hấp. Bệnh nhân không thể tự thở, nhịp tim đập chậm, liệt chi, thị lực giảm, toàn thân phù nề. Các biện pháp cứu chữa không giúp cải thiện", một bác sĩ cho biết.
Theo người nhà của nạn nhân, bé đang nằm trên võng với bố, chiếc võng mắc dưới gốc cây ở cạnh nhà, thì bất ngờ con rắn từ trên cây rơi trúng người bé rồi ngoạm vào chân. Bố bé đập chết con rắn và phát hiện đây là loại rắn hổ mèo.
"Thay vì đưa con đến bệnh viện, người nhà đã đưa bé đến thầy lang để chữa trị. Một ngày sau, sức khỏe của bé yếu dần nên mới đưa đến nhà thương", bác sĩ nói.
Các chuyên gia bệnh nhiệt đới cho biết, hổ mèo là loại rắn độc, nọc độc của rắn có thể khiến người bị cắn nhanh chóng bị tổn thương đa cơ quan và nếu không cấp cứu kịp thời, phần lớn nạn nhân sẽ tử vong.
Do nạn nhân thường lo lắng nên điều đầu tiên là trấn an, tránh để người bị rắn cắn vận động nhiều bởi nọc độc càng dễ di chuyển. Nên bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ, tuyệt đối không rạch nặn vết thương để giải phóng máu vì có thể gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng.
Không làm garrot (cột thắt đoạn trên của chân tay với quan niệm hạn chế độc chạy về tim) vì dễ gây hoại tử. Cách tốt nhất là rửa sạch vết thương, băng bằng băng thun rồi chuyển đến bệnh viện. Tuyệt đối không nên tự chữa trị hoặc đưa đến các thầy lang để chữa trị.