Rà soát, xử lý sai phạm trong đầu tư điện mặt trời ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Lâm Đồng có nhiều dự án lập trang trại sản xuất nông nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, chủ yếu để bán điện; có dấu hiệu một số đơn vị cho bên thứ 3 thuê đất trong khu công nghiệp để triển khai dự án điện…
Rà soát, xử lý sai phạm trong đầu tư điện mặt trời ở Lâm Đồng ảnh 1

Một công trình điện năng lượng mặt trời có sai phạm tại Lâm Đồng

Ngày 27/3, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở liên quan kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án điện mặt trời tại khu công nghiệp Lộc Sơn (TP Bảo Lộc).

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý các đơn vị cho bên thứ 3 thuê đất trong khu công nghiệp Lộc Sơn để triển khai dự án điện.

Rà soát, xử lý sai phạm trong đầu tư điện mặt trời ở Lâm Đồng ảnh 2

Khu công nghiệp Lộc Sơn

Thời gian gần đây, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại địa phương.

Qua giám sát cho thấy, Lâm Đồng phát triển được 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt gần 300MW cho sản lượng khoảng 420 triệu kWh/năm, trong đó, phát lên lưới điện gần 373 triệu kWh.

Việc quản lý điện mặt trời tại địa phương có những sơ hở, thiếu sót trong đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, mua bán điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Hiện Lâm Đồng có 1 dự án điện mặt trời với công suất 50MW đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư; trong khi đó, hầu hết các dự án ĐMT tại địa phương đều được thực hiện với công suất dưới 1MW.

Theo một đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, không loại trừ khả năng có sự lợi dụng chính sách trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà; chẳng hạn, cùng là một chủ đầu tư tại khu vực, nhưng chia tách thành nhiều công ty, nhiều dự án để đảm bảo công suất dưới 1MW nhằm được miễn các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động điện lực.

Nhiều hệ thống ĐMT lắp đặt trên đất nông nghiệp có kết hợp phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), nhưng trong thực tế việc phát triển trang trại và trồng trọt không đem lại hiệu quả. Nói cách khác, đầu tư hệ thống ĐMT để bán điện còn mô hình trang trại chậm được triển khai hoặc làm chiếu lệ.

Chưa hết, việc ký kết mua bán điện, đấu nối vào hệ thống điện phụ thuộc vào chủ đầu tư và công ty điện lực, còn công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này rất hạn chế.

Tháng 3 này, Sở Công Thương đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động của công trình ĐMT áp mái thuộc Cty TNHH Bồng Lai Lâm Đồng và Cty TNHH Năng lượng mặt trời Ngân Ngọc.

Hai công ty này có đầy đủ hồ sơ pháp lý và đều có hoạt động trang trại dưới công trình ĐMT. Tuy nhiên, việc sản xuất, chăn nuôi không hiệu quả.

Đoàn kiểm tra đề nghị các công ty nói trên tiếp tục duy trì hoạt động của trang trại theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NN&PTNT, chấp hành các quy định về hoạt động ĐMT áp mái.

MỚI - NÓNG