Ngày 4/1, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tại buổi họp báo, ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh này thanh tra các sai phạm liên quan đến các dự án điện mặt trời trong năm 2023. Việc thanh kiểm tra được đưa ra sau khi Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố các vi phạm, tồn tại trong quá trình hoạt động đối với các dự án nói trên.
Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận có vi phạm các thủ tục đất đai. Ảnh L.H |
Cuối năm 2022, KTNN công bố các vi phạm trong việc việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất tại một số dự án điện mặt trời ngàn tỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo ông Võ Đình Vinh, trước khi có kết luận của kiểm toán thì Bộ Công thương cũng đã có kết luận liên quan đến phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận. Đến nay, ngành điện lực tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kế hoạch khắc phục những sai phạm nói trên.
Liên quan đến mô hình phát triển năng lượng tái tạo, ông Võ Đình Vinh cho rằng việc thực hiện giữa bên bán và bên mua thực hiện theo Thông tư 13 của Thủ tướng Chính phủ. Việc nghiệm thu dự án thuộc trách nhiệm ngành điện điện lực chứ không phải là Sở Công thương hay UBND tỉnh Ninh Thuận. “Sau khi có kết luận của KTNN, tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng trong đó có ngành công thương tham mưu tháo gỡ. Chúng tôi đã chủ động triển khai, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra mô hình này trong đó một số dự án mà Bộ Công thương, KTNN đã chỉ ra có vi phạm”, ông Vinh thông tin thêm.
Tỉnh Ninh Thuận sẽ thanh tra các vi phạm về điện mặt trời trong năm 2023. Ảnh H.H |
Tháng 10/2022, KTNN có thông báo gửi Bộ Công thương liên quan đến chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường tại các dự án năng lượng mặt trời ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Qua kiểm tra, KTNN phát hiện vào năm 2017, việc phê duyệt quy mô công suất của Dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Thuận Nam 19 vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 là 49 MW (thay vì 49 MWp).
Quá trình phê duyệt bổ sung quy hoạch, theo đó xác định diện tích đất thực hiện dự án nhà ĐMT trời Phước Ninh có diện tích đất là 68,5ha, vượt 14,5ha theo quy định. Có một số dự án được phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ranh giới quy hoạch của dự án nhà máy ĐMT Phước Hữu - Điện lực 1 được phê duyệt trùng với ranh giới mỏ vật liệu san lấp có số hiệu 79A tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án nhà máy ĐMT Adani Phước Minh có một phần ranh giới của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư trùng với ranh giới dự án ĐMT BIM2; nhà máy ĐMT Thuận Nam Đức Long có một phần diện tích khoảng 16,5ha nằm trong khu quy hoạch vùng tưới của hồ Đá Đen. Hay như Dự án nhà máy ĐMT SP Infra I có ranh giới được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, một phần ranh giới này được tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư có một phần quy hoạch phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi ngang qua dự án…
Liên quan đến các vi phạm về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Công ty Điện lực tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có báo cáo giải trình nội dung kiến nghị của Đoàn KTNN khu vực VIII theo yêu cầu của UBND tỉnh liên quan đến việc ký các hợp đồng mua bán ĐMTMN khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý hoặc không đúng về trình tự thủ tục.
Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, hướng dẫn của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu và ký hợp đồng mua điện từ các hệ thống ĐMTMN. Trong đó, công ty không yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, mà chỉ kiểm tra chủ đầu tư đã ký bản cam kết tự chịu trách nhiệm đối với công trình xây dựng kết hợp lắp đặt ĐMTMN và có xác nhận của địa phương trước khi nghiệm thu đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện.
Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết đã khắc phục những vi phạm. Ảnh L.H |
Khắc phục các vi phạm đã nêu, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung hồ sơ liên quan đến các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, giấy phép kinh doanh, nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đến thời điểm Đoàn KTNN khu vực VIII thực hiện kiểm tra, cơ bản các thủ tục về an toàn công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy đã được chủ đầu tư ĐMTMN bổ sung hoàn tất 100% hồ sơ. Riêng lĩnh vực đất đai, các chủ đầu tư cũng đã hoàn thành 100% thủ tục chuyển mục đích/đăng ký biến động đất đai sang đất nông nghiệp khác theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận.
Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, sau khi Đoàn KTNN khu vực VIII chỉ ra các thiếu sót trong công tác phát triển ĐMTMN, công ty tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan đến công tác ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN khi chưa đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát lại toàn bộ các hệ thống ĐMTMN, đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo quy định.