Phát lộ hàng trăm dự án điện mặt trời tại Khánh Hoà, Ninh Thuận dính sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở Khánh Hoà được chia nhỏ, đấu nối sai quy định vào lưới điện hạ áp. Trong khi đó, nhiều dự án ĐMTMN tại Ninh Thuận vượt quá công suất và gây quá tải cho hệ thống lưới điện tại địa phương.

Đấu nối sai hàng trăm dự án

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có kết luận kiểm toán chuyên đề 640 về đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo tại địa bàn tỉnh Khánh Hoà.

Kết luận 640 của KTNN nêu rõ, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa đã ký hợp đồng mua điện đối với hàng trăm dự án ĐMTMN khi các thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất/đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác; chưa có chứng nhận PCCC, giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn được nghiệm thu và đấu nối bán điện lên lưới.

Phát lộ hàng trăm dự án điện mặt trời tại Khánh Hoà, Ninh Thuận dính sai phạm ảnh 1

Nhiều dự án ĐMTMN tại Khánh Hoà được đấu nối sai quy định (Ảnh L.H).

Theo KTNN, phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực ĐMTMN ở Khánh Hoà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Vì thế, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường. Nhà đầu tư chỉ tập trung quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Tại thời điểm nghiệm thu đấu nối, có 50 hệ thống ĐMTMN chưa có giấy phép xây dựng hoặc văn bản xác nhận kết cấu công trình và an toàn chịu lực; có 50 hệ thống ĐMTMN chưa có văn bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và có 156 hệ thống ĐMTMN chưa chuyển mục đích, chưa đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác. Tại thời điểm kiểm tra, đối chiếu có 20 hệ thống ĐMTMN chưa có giấy phép xây dựng/văn bản xác nhận kết cấu công trình và an toàn chịu lực; có 21 hệ thống ĐMTMN chưa có văn bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và có 58 hệ thống ĐMTMN chưa chuyển mục đích/đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác.

Chia nhỏ dự án để miễn trừ giấy phép

KTNN cũng phát hiện việc nhiều dự án ĐMTMN ở Khánh Hoà được xây dựng trên cùng một mảnh đất, địa điểm được chia nhỏ công suất dưới 1 MW để tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực… Chẳng hạn, hai dự án trang trại điện mặt trời (công suất 993,6 và 999,8 KWp) của Công ty TNHH Năng lượng sạch và Công ty TNHH Năng lượng xanh Ninh Hoà cùng triển khai tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hoà.

Tại khu công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh cũng có hai dự án điện mặt trời (công suất 356,4 và 648 KWp) của Công ty CP Đầu tư VCN triển khai tại một địa điểm. Còn tại bãi vật liệu D, E hồ Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) có 3 dự án điện mặt trời (công suất 999, 998,8 và 998,8 KWp) của Công ty TNHH Nông trại Solar Tân Văn Thuỷ, Tân Cam Phước Tây và Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Thắng. Nhiều dự án ĐMTMN ở các huyện khác cũng xảy ra hiện tượng chia nhỏ dự án dưới 1 MW như thế để “lách luật”.

Phát lộ hàng trăm dự án điện mặt trời tại Khánh Hoà, Ninh Thuận dính sai phạm ảnh 2

Các dự án ĐMTMN tại Khánh Hoà được chia nhỏ để miễn trừ giấy phép. Ảnh L.H

Cụ thể, ngày 22/9/2020 Bộ Công thương ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn phát triển ĐMTMN có nêu: Trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 1 MW (trong đó mỗi hệ thống có công suất không quá 1 MW - PV) trên 1 địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp của một hoặc nhiều nhà đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 1 MW được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực...

Tuy nhiên, Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ không quy định trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN triển khai lắp đặt trên cùng một địa điểm. Vì thế, các nhà đầu tư đã lợi dụng nhằm chia nhỏ ĐMTMN thành nhiều hệ thống có công suất dưới 1 MW, tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Làm quá tải hệ thống truyền tải điện

Trước đó, Bộ Công thương cũng đã có kết luận 1424 rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMTMN tại Ninh Thuận. Kết luận của Bộ Công Thương chỉ rõ loạt vi phạm của Công ty Điện lực Ninh Thuận trong quá trình thực hiện phát triển ĐMTMN. Liên quan đến các hệ thống ĐMTMN của Công ty CP Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm, Bộ Công Thương kết luận thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ nêu tại Thông tư số 18/2020 về việc quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Phát lộ hàng trăm dự án điện mặt trời tại Khánh Hoà, Ninh Thuận dính sai phạm ảnh 3

Nhiều dự án ĐMTMN tại Ninh Thuận đấu nối sai gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện. Ảnh H.H.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Ninh Thuận ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong đơn đăng ký phát triển, thỏa thuận đấu nối. Việc này trái với quy định tại Thông tư số 18 của Bộ Công Thương. Chưa hết, Công ty Điện lực Ninh Thuận thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN gây quá tải hệ thống điện là trái quy định. Công ty Điện lực Ninh Thuận còn thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN quy định tại Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết luận 640 của Kiểm toán Nhà nước, do ĐMTMN có công suất dưới 1 MW không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch và cấp phép hoạt động điện lực theo quy định của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại nước ta. Việc nhiều hệ thống ĐMTMN ở Khánh Hoà và các tỉnh khác vận hành đấu nối vào lưới điện không quy hoạch cho ĐMTMN tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng truyền tải hệ thống điện.
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.