Rà soát lò đốt rác phát thải dioxin

TP - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa đề xuất rà soát lò đốt chất thải sinh hoạt trên cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng phát thải dioxin từ các lò đốt này. Đề xuất được đưa ra sau khi Bộ TNMT ban hành Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành ồ ạt đầu tư lò đốt cỡ nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt. Các lò đốt này có giá từ vài trăm triệu cho đến hơn một tỷ đồng, công suất khoảng 200-1.000kg/ngày. Khảo sát cách đây hai năm của Cục Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho thấy, có hơn 50 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt ở Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hai năm qua, số lượng lò đốt tăng mạnh, mở rộng ra nhiều địa phương (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh Ồ ạt đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ: Hiểm họa khôn lường).

Việc đầu tư ồ ạt lò đốt được chuyên gia môi trường đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường, nhất là nguy cơ phát thải dioxin. TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường chia sẻ, cách đây hơn 20 năm, Bỉ phát hiện ra hàm lượng dioxin cao bất thường trong sữa mẹ. Nguyên nhân được kết luận là do sử dụng hàng loạt lò đốt chất thải sinh hoạt. Ông Loãn cho biết thêm, để đảm bảo không phát thải dioxin, lò đốt rác phải đảm bảo nhiều tiêu chí khắt khe trong khi phần lớn các lò đốt cỡ nhỏ hiện nay khó đảm bảo các tiêu chí này.

Rà soát lò đốt rác phát thải dioxin ảnh 1

Lò đốt rác thải sinh hoạt cỡ nhỏ tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Theo TS Nguyễn Thành Yên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải, Bộ TNMT, Cục đã tiến hành khảo sát ở vài địa phương thì thấy, nhiều lò đốt chưa đảm bảo môi trường nếu áp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30 :2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo QCVN về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Trước đó, nghiên cứu của dự án “Xử lý Dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam” (do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất dacam/dioxin ở Việt Nam thực hiện) cho thấy,  lò đốt rác thải đứng đầu trong danh sách các nguồn phát thải dioxin không có nguồn gốc chiến tranh.

Sẽ lắp thiết bị đo nhiệt độ, khí thải

Thông tư 03/2016/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2016. Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổng cục sẽ tiến hành rà soát các lò đốt chất thải sinh hoạt rắn ở nhiều địa phương. Lò đốt nào đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật thì tiếp tục hoạt động. Lò đốt nào chưa đáp ứng các tiêu chí phải thực hiện nâng cấp.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt quy định hàng loạt yêu cầu kỹ thuật với lò đốt rác, nhất là yêu cầu về giá trị tối đa cho phép của các chất ô nhiễm trong khí thải lò đốt như CO, SO2, dioxin và furan. Quy chuẩn cũng quy định đơn vị vận hành phải xây dựng và thực hiện quy trình vận hành an toàn lò đốt chất thải sinh hoạt như chất thải phải được kiểm soát trước khi vào lò đốt, không đưa chất thải có nguy cơ gây nổ, chất thải có tính ăn mòn, hóa chất và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải có chứa thủy ngân, chì, cadimi vượt ngưỡng chất thải nguy hại vào lò đốt. Ngoài ra, lò đốt phải lắp thiết bị đo, hiển thị nhiệt độ trong các vùng đốt. Đối với lò đốt có công suất lớn hơn hoặc bằng 500kg/h phải lắp thiết bị đo, hiển thị nhiệt độ dòng khí thải ngay sau bộ phận giải nhiệt. Thông tư cũng quy định, sau khi thông tư có hiệu lực, cơ quan quản lý môi trường sẽ thực hiện giám sát môi trường định kỳ đối với các lò đốt này.

Nghiên cứu của dự án “Xử lý Dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam” (do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất dacam/dioxin ở Việt Nam thực hiện) cho thấy,  lò đốt rác thải đứng đầu trong danh sách các nguồn phát thải dioxin không có nguồn gốc chiến tranh. 

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...