Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43.
Chưa chốt dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê
Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sửa đổi 10 nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa ra 2 phương án (cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện) để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cần thiết gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để Quốc hội quyết định.
Đồng thời cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi bổ sung vào dự thảo Luật về quy định bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh bị cấm theo ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội; rà soát danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là việc sửa đổi 19 ngành, nghề và việc bổ sung thêm 6 ngành, nghề cũng cần đánh giá rõ tác động và tiếp tục rà soát.
Cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữa việc xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh hay quy định thành một chương trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình hai phương án để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Quy định về cơ chế đặc thù cho dự án PPP
Về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Thường cụ Quốc hội nhấn mạnh đây là Luật khó, phức tạp, cần hết sức thận trọng, tiếp tục rà soát bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định rõ những nội dung mang tính chất đặc thù cho phép áp dụng khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP theo tinh thần việc gì doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm được thì để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm; Nhà nước chỉ làm lĩnh vực đầu tư công khó khăn về thu hút vốn cần có sự tham gia, cùng thực hiện của Nhà nước và tư nhân. Làm rõ về các chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP nhất là đối với dự án mà ngân sách nhà nước sẽ tham gia và phải làm rõ mức độ tham gia, như giải phóng mặt bằng, dự án mang tính chất hỗ trợ, dự án có sự đầu tư góp vốn, quá trình quản lý vốn, quản lý tài sản, thu hồi vốn của Nhà nước.
Tiếp tục rà soát lại các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư một cách hợp lý; làm rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro và chia sẻ ở mức nào, trường hợp rủi ro nào thì Nhà nước tham gia chia sẻ, trường hợp rủi ro nào thì nhà đầu tư chịu theo cơ chế thị trường. Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, phải xem xét chỉ cho điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ở mức độ có thể chấp nhận được sau khi đã sử dụng hết chi phí dự phòng. Cân nhắc thời điểm, giai đoạn kiểm toán đối với dự án PPP; vấn đề giám sát cộng đồng không để tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết và gây khó khăn.
Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại các vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư; nghiên cứu quy mô đầu tư tối thiểu; làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP; rà soát kỹ về các cơ chế, chính sách để phù hợp với từng loại dự án (BOT, BT, BOO...)
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai là cần thiết ở cấp trung ương và địa phương, tuy nhiên cần quy định rõ trong Luật về hình thức quản lý thu chi của Quỹ này, đặc biệt là việc thu Quỹ đối với tổ chức, cá nhân. Đồng thời, rà soát lại các quỹ vận động của các tổ chức chính trị xã hội cho phòng, chống thiên tai để đảm bảo sự thống nhất quản lý một đầu mối, có sự thống nhất trong công tác điều phối.