Hơn một năm trước đây, Cục QLLĐNN phát hành Công văn 113 dựa vào các quy định của công văn 4732 để dừng thị trường Nhật Bản của 35 DN vô thời hạn vì lỗi... chưa có báo cáo. Chỉ sau 3 tháng thì công văn này hết hiệu lực do có Công văn 1123 thay thế. Khi được hỏi áp dụng theo Công văn mới 1123 thì 35 DN XKLĐ kể trên sẽ được xử lý như thế nào? có tiếp tục bị dừng phép không?
Ông Tống Hải Nam, người ký văn bản 113-QLLĐNN để dừng hoạt động của doanh nghiệp đã xin khất câu trả lời do “Không có Trưởng phòng thị trường Nhật Bản ở đây”. Khất trả lời, nhưng một văn bản khác của chính cục này phát hành ngày 22/6/2017 gửi Cty TNHH xuất khẩu lao động Bảo Sơn (một trong 35 DN bị dừng thị trường Nhật từ tháng 1/2016) lại quyết định đồng ý để “Cty được tiếp tục đăng ký nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng và đề nghị cấp thư phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản kể từ ngày ban hành văn bản này”, tức là hơn 1 năm sau khi buộc dừng thì Cty Bảo Sơn mới được mở phép hoạt động lại thị trường Nhật Bản… Trong khi đó các Cty còn lại không hề được nhắc tới…
Ông Tống Hải Nam cũng cho biết, việc xử lý các văn bản dạng đòi “giấy phép con” theo cách tích hợp lại thành văn bản pháp qui, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, “Cục đã đưa lên trang web để xin ý kiến của các bộ, ngành khi nào chính thức cục sẽ thông báo sau”.
Trước đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, căn cứ vào hình thức thể loại văn bản các doanh nghiệp gọi công văn 4732 đã đội lốt “ giấy phép con”, vì nó quy định các điều kiện buộc doanh nghiệp phải tuân theo, nếu không theo thì bị dừng hoạt động. Được biết, không chỉ có công văn 4732 của thị trường Nhật Bản, các thị trường Đài Loan và Ả rập Xê út cũng có những công văn dạng tương tự. Tuy lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH vẫn trả lời không có chuyện “giấy phép con” nhưng rõ ràng công văn dạng này vẫn đòi “giấy phép con”.
Bởi tại mục I, Công văn 4732 ghi rõ các điều kiện DN đưa thực tập sinh sang Nhật Bản (chưa kể đến các mục sau đều đưa các điều kiện khác liên quan). Ngoài ra, công văn còn ghi điều kiện nếu chậm nộp báo cáo 30 ngày, không đảm bảo điều kiện công văn quy định thì không được đưa thực tập sinh đi Nhật. Công văn này khiến 35 Cty XKLĐ phải dừng thị trường. 3 tháng sau Công văn 1123 thay thế Công văn 4732 tuy đã bỏ chữ “điều kiện” và bỏ quy định “nộp báo cáo” nhưng vẫn thể hiện tinh thần buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện văn bản đưa ra.
Đến thời điểm này, sau 4 tháng, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về rà soát các văn bản kiểu giấy phép con trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vẫn đang ì ạch. Còn các DN thì vẫn dài cổ chờ.