Bức xúc vì thủ tục
Ông Lưu Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VIHATICO bức xúc với việc tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng của Cty CP Việt Hà bằng công văn số 291/QLLĐNN-TTr ra ngày 15/3/2017 của Cục QLLĐNN. Rồi sau đó một ngày, tức ngày 16/3/2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH mới công bố quyết định thanh tra Cty CP Việt Hà. Và tiếp theo, ngày 17/03/2017, ông Trưởng ban QLLĐNN tại Malaysia của Cục QLLĐNN không biết đã dựa trên quy định nào của Pháp luật XKLĐ mà ký văn bản gửi tới đối tác của VIHATICO đề nghị ho không hợp tác với VIHATICO? Theo ông Bình việc dừng phép XKLĐ của VIHATICO trước rồi mới tiến hành Thanh tra của Cục QLLĐNN trái với tinh thần của NQ 35/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra các thủ tục hành chính đi kèm với các kiểu công văn mà Cục này dùng để quản lý các doanh nghiệp XKLĐ cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nào là thủ tục kiểm tra DN, thủ tục người lao động phải đến Cục để kiểm tra, thủ tục xác nhận danh sách lao động xuất cảnh kèm theo mức phí DN đã thu của từng lao động trước khi người lao động lên máy bay xuất cảnh… Các thủ tục này thường không có kế hoạch rõ ràng về thời gian nên DN, người lao động bị động, phải chờ đợi nhiều khi lỡ cơ hội kinh doanh…Nhiều thủ tục còn trái với Luật của nước bạn, ví như thủ tục do công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 quy định thủ tục doanh nghiệp phải ký hợp đồng với đối tác trước rồi mới xét để giới thiệu với tổ chức JITCO. Điều đó trái với pháp luật Nhật Bản vì họ quy định, tổ chức JITCO công nhận trước rồi mới được phép ký hợp đồng với đối tác.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP thương mại và tư vấn giáo dục Hoàng Phát bức xúc cho biết: “DN vất vả, khổ vì thủ tục này đã đành mà còn kéo theo cả người lao động khi gọi họ về Cục QLLĐNN để kiểm tra…mà đã kiểm tra thì phải mất phí…”.
Các kiểu “giấy phép con”
Dưới tên gọi công văn nhưng thực chất là “giấp phép con”. Vì đây là những nội dung yêu cầu DN thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định chứ không đơn thuần là một công văn trao đổi, làm việc.
Hiện ở Cục QLLĐNN vẫn đang áp dụng hàng chục kiểu “giấy phép con” núp dưới tên công văn. Chỉ nêu vài công văn mà Cục QLLĐNN đã tham mưu để quản thị trường lao động Nhật Bản và Đài Loan, hai thị trường tiềm năng hiện nay. Đó là công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 và công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/4/2016 thay thế 4732/LĐTBXH-QLLĐNN cho DN đưa lao động sang Nhật Bản. Tương tự, các công văn số 2176/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 09/6/2015 và công văn số 1538/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 09/5/2016 cho DN đưa lao động sang Đài Loan. Các công văn này đều đưa ra các điều kiện như lần cấp giấy phép XKLĐ và nó còn thêm một vài điều kiện như mức độ tiếng Nhật của cán bộ (nếu đi Nhật), tiếng Trung (nếu đi Đài Loan), DN không bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 năm gần đây.
Phóng viên đã liên lạc với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và đặt câu hỏi đề nghị giải thích xung quanh vấn đề các văn bản kiểu “giấy phép con”; những căn cứ nào để Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn cán bộ chuyên trách thị trường… Tuy nhiên không nhận được câu trả lời cũng như thời hạn trả lời vì lý do lãnh đạo đi công tác vắng.
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài ngày 8/3 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo, bắt đầu từ Cục QLLĐNN, trên cơ sở của pháp luật, phải tạo điều kiện thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp, bằng cách loại bỏ những thủ tục hành chính, văn bản rườm rà.