Biện pháp “bêu tên”
BHXH TP Hà Nội vừa đăng tải công khai danh sách sách 500 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT tính đến hết tháng 8/2017. Đây là các doanh nghiệp đã nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 6 – 24 tháng với tổng số nợ hơn 436 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment với số nợ lên tới gần 22 tỷ đồng, tiếp theo là Công ty Cổ phần Cầu 12 - Cienco 1 với số nợ gần 16 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Cầu 14 (quận Long Biên) nợ 21 tháng với số tiền gần 14,7 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Sông Tích (Sơn Tây) đang nợ gần 12,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (Quận Đống Đa) còn nợ 11,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) còn nợ 11 tháng với số tiền hơn 10 tỷ đồng...
Được biết, tổng số lao động của 500 doanh nghiệp này là hơn 20.000 người. Tính đến hết tháng 6/2017, tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp trên toàn TP Hà Nội là 2.938 tỷ đồng của 682.405 lao động, chiếm 8,8% tổng số thu năm 2017 và cũng là tỷ lệ cao của cả nước. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lao động.
Gần đây, BHXH TP Đà Nẵng đã thực hiện mở chuyên mục thường xuyên (hằng tháng) đăng tải danh sách những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, cố tình không trả nợ trên trang thông tin điện tử BHXH TP Đà Nẵng. “Hằng quý chúng tôi sẽ đăng tải thông tin những đơn vị có số BHXH, BHYT, BHTN nợ lớn và kéo dài trên các báo để nhắc nhở cũng như công khai với người lao động. Hy vọng với cách làm này các đơn vị, doanh nghiệp sẽ tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và danh tiếng của mình” - đại diện BHXH TP Đà Nẵng chia sẻ.
Không chỉ Hà Nội, Đà Nẵng, BHXH nhiều địa phương đã phải chọn giải pháp “bêu tên” các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hy vọng thúc đẩy họ chấp hành pháp luật. Trong một hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ cho báo chí của BHXH Việt Nam, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ, lãnh đạo BHXH rất cân nhắc khi quyết định công bố danh tính của các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bởi điều này ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ. Nhưng “cực chẳng đã”, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn cố tình nợ dây dưa, kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, BHXH mới phải chọn giải pháp “bêu tên” này.
Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6/2017, tổng nợ đóng BHXH cho người lao động trên toàn quốc là gần 13.000 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH gần 10.000 tỷ đồng.
Quyết tâm giảm nợ đọng BHXH
Trước tình trạng nợ đọng BHXH, ngành BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt như: Yêu cầu cán bộ ngành BHXH thu nợ đóng bảo hiểm phải bám sát đơn vị, định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ. Nếu đơn vị khi nhận được thông báo vẫn không nộp tiền nợ bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ đến trực tiếp đơn vị làm cam kết trả nợ; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo danh sách những đơn vị nợ bảo hiểm trên những phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát để chuẩn bị tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ và trốn đóng BHXH...
Do vậy ngoài việc tăng cường các giải pháp chống nợ đọng, vẫn cần những biện pháp chế tài đủ mạnh; cũng như trao quyền thanh tra xử phạt trực tiếp doanh nghiệp, có như vậy ngành bảo hiểm xã hội mới thuận lợi hơn trong việc ngăn chặn nợ đọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, thực hiện ý kiến kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4456/UBND-KGVX giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, yêu cầu giảm tỉ lệ nợ BHXH và hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT.
Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo BHXH thành phố hằng tháng tổng hợp, phân loại các đơn vị nợ để chuyển cho Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra, Cục Thuế thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ BHXH. Đồng thời, tiếp nhận danh sách các đơn vị do Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra có nội dung yêu cầu đơn vị nợ BHXH, chưa tham gia BHXH để tiếp tục theo dõi, đôn đốc.
Phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các đơn vị SDLĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT 82,8% dân số vào cuối năm 2017 và đạt trên 90,1% dân số vào trước năm 2020.
Mức xử phạt hành chính khi cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội quá thấp và không có tính răn đe, lãi suất chậm đóng chỉ mang tính hình thức, cơ chế xử lý vi phạm rườm rà, tốn thời gian, phụ thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan nên khó áp dụng trong thực tế. Đây là lý do khiến số nợ đọng bảo hiểm xã hội ở nhiều địa phương ngày càng tăng và khó giải quyết.