Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
TP - Tại Hội nghị giao ban tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 3 tháng đầu năm 2015, chiều 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục quyết liệt triển khai, hoàn thành việc tái cơ cấu DNNN như kế hoạch đã đề ra.

Sợ mất chức vì CPH

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm 2015 cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 289 doanh nghiệp (DN). Tính đến ngày 24/3 đã có 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN; 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 29 DN đã CPH. Về kết quả thoái vốn, các DN đã thoái được 4.937 tỷ, thu về 6.987 tỷ, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Đơn vị thực hiện thoái vốn có kết quả cao là Tập đoàn Viễn thông Quân đội thoái 2.655 tỷ, thu về 3.169 tỷ; Tập đoàn dầu khí thoái 307 tỷ, thu về 1.068 tỷ; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông thoái 481 tỷ thu về 526 tỷ…

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN vẫn còn một số tồn tại hạn chế do các bộ, ngành, địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện… Vì thế, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN khẳng định sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo DN không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, CPH, thoái vốn…

“Đất nước và Hải Phòng cần có những cảng lớn chứ không phải là cảng Nhà nước hay tư nhân”

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng       

Chia sẻ về kết quả trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, các DN sau CPH mọi việc đều tốt hơn. Trong đó, có DN xây dựng trước đây kiện cáo suốt ngày, nhưng sau CPH thì lương thưởng đều tăng lên, ổn định hơn. Đặc biệt, trong CPH các bệnh viện, ông Thăng cho hay, lúc đầu nhiều tâm tư lắm, Giám đốc, Phó giám đốc chỉ sợ CPH thì sẽ mất chức. Tuy nhiên, đến nay thì cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đều ủng hộ, tranh nhau mua cổ phần.

“Chắc chắn sau CPH thì lương của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện sẽ tăng gấp đôi. Giám đốc, phó giám đốc nếu có tài thì sẽ được trọng dụng tiếp, còn không có tài thì phải ra đi thôi”, ông Thăng nói và khẳng định, trong năm nay sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty hàng hải Vinalines, các đơn vị đăng kiểm…

Bán hết thì còn gì nữa?

Theo ông  Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, vấn đề tái cơ cấu DN khó nhất hiện nay là việc CPH các DN công ích, đặc biệt là CPH công ty cấp nước. “Chúng tôi muốn bán trên 51% và nhà đầu tư cũng muốn thế. Nhưng Hội đồng nhân dân thành phố thì “kêu” rằng đến cấp nước các ông cũng bán thì còn cái gì nữa”, ông Hiệp kể. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cấp nước bán vừa hiệu quả mà chất lượng nước vẫn đảm bảo, thậm chí có khi còn tốt hơn trước. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho hay, nhiều địa phương đã bán trên mức quy định như Hà Nam và phát huy hiệu quả rất tốt.

Ông Đinh La Thăng cũng cho hay, Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng khi dự định CPH cũng có ý kiến phản đối vì truyền thống lâu đời, bán cho tư nhân thì sẽ thế nào đây. Tuy nhiên, ông Thăng khẳng định, đất nước và Hải Phòng cần có những cảng lớn chứ không phải là cảng Nhà nước hay tư nhân.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu DNNN. Đối với các DN đã có Ban chỉ đạo thì sớm xác định giá trị tài sản DN, sớm CPH, niêm yết trên thị trường chứng khoán. DN nào cổ phần vẫn còn nắm giữ lớn thì bán tiếp; DN không cần nắm cổ phần chi phối thì cũng bán tiếp. “Toàn dân làm kinh tế mới hiệu quả. Nhà nước phải tạo điều kiện môi trường hấp dẫn để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia”, Thủ tướng nói.

Về hiệu quả hoạt động của các DNNN trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, hiệu quả đạt được đã tốt hơn thể hiện qua doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, tổng tài sản... đều tăng. Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý phải khắc phục cho được hạn chế như hiệu quả của DNNN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vẫn còn DNNN thua lỗ, hiệu quả thấp. 

MỚI - NÓNG