ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y, dược:

Quyết định của Bộ GD&ĐT có phù hợp?

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời phóng viên. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời phóng viên. Ảnh: Như Ý
TP - Bộ GD&ĐT vừa quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học hệ chính quy. Trong khi đó, năm học 2015-2016, trường này còn thiếu khoảng 2.000 người học mới lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh!

Phóng viên Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - người trực tiếp ký quyết định đang gây tranh cãi…

Bộ GD&ĐT vừa tiếp tục cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ  (KD-CN) đào tạo các ngành y, dược là những ngành đòi hỏi đặc thù về điều kiện giảng dạy và đòi hỏi đầu vào chất lượng cao trong khi điểm tuyển của trường này có rất nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

“Ngành y là một ngành đặc thù đòi hỏi những điều kiện đào tạo đặc biệt,  cần thực tập và thực hành lâm sàng nên không phải trường nào cũng đào tạo được”.  

Phó hiệu trưởng ĐH Y khoa Hà Nội 

Nguyễn Hữu Tú

Đây là những ngành đặc thù nên điều kiện mở ngành phải rất chặt chẽ, phải có được sự đồng ý của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giảng viên, chương trình đảm bảo thì mới được Bộ GD&ĐT cho phép. Ngành y, dược có thừa nhân lực hay không là do Bộ Y tế là bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm.

Tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nên tự các trường quyết định điểm đầu vào, nhưng chắc chắn điểm vào ngành y không thấp vì ngành y, dược là những ngành đang hút sinh viên. Một vấn đề nữa là các trường tuyển sinh theo điểm chuẩn từng ngành chứ không phải theo điểm đầu vào chung vì vậy điểm đầu vào chung không nói lên điều gì cả, có những ngành thấp và có ngành cao. Hơn nữa, khi tuyển sinh sẽ có trách nhiệm biết được học sinh nào có mức điểm nào thì mới học được và quyết định ngưỡng để nhận hồ sơ và chắc chắn ngưỡng của 2 ngành này phải cao.

Được biết, khi thẩm định, trường ĐH KD-CN còn thiếu một số điều kiện về giảng viên cơ hữu, về việc chứng minh có cơ sở thực hành ngoài nhà trường… và, ngày 17/11/2015, phía Bộ Y tế cũng đã yêu cầu nhà trường hoàn thiện các điều kiện nhưng sau đó 2 ngày 19/11,  Bộ GD&ĐT đã ra  quyết định cho phép trường này mở ngành đào tạo bác sỹ đa khoa. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ý kiến đó của ngành y tế là trước khi thẩm định cả tháng trời và nhà trường sau đó đã bổ sung đầy đủ theo yêu cầu thẩm định.

Với cương vị là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, là người ký quyết định, ông có đảm bảo về tất cả các điều kiện mở ngành y, dược của trường này không?

Khi tiến hành làm thủ tục mở ngành thì Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã lập đoàn kiểm tra và đến nay tất cả các điều kiện, bao gồm cả các điều kiện còn thiếu đã bổ sung. Yêu cầu mở ngành rất cao và trường đã đạt vượt cả yêu cầu của Thông tư quy định về mở ngành. Trong quá trình đào tạo hai Bộ còn phối hợp kiểm tra thẩm định liên tục.

Có một số trường, khi mở ngành thì hồ sơ rất đẹp, nhưng sau đó lại lộ ra đầy hạn chế. Bộ GD&ĐT đã xử lý tình trạng này
ra sao?

Đương nhiên phải dừng đào tạo vì trong quyết định xử lý, xử phạt đã nêu rõ: Trong quá trình đào tạo nếu không đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người thì sẽ dừng đào tạo ngành. Trên thực tế Bộ đã dừng rất nhiều ngành đào tạo qua công tác hậu kiểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành y, dược là những ngành đào tạo đặc thù, vì vậy chỉ nên đào tạo ở những trường có bề dày truyền thống, thưa ông?

Hiện đào tạo ngành y khó, tốn kém và nước ta cũng chỉ có mấy trường y thôi và lâu rồi ít được đầu tư. Chúng ta phải xã hội hóa để thu hút đầu tư  nên trường tư nào đủ điều kiện thì sẽ được khuyến khích đầu tư để nâng cao số lượng bác sỹ phục vụ người dân vì hiện tỷ lệ bác sỹ trên đầu người dân còn rất thấp. Khi họ đảm bảo điều kiện theo yêu cầu, đảm bảo chất lượng thì được mở ngành đào tạo. Trong quá trình đào tạo các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành kiểm tra nếu  bất cứ lúc nào họ không đủ điều kiện thì sẽ phải dừng đào tạo.

Bộ Y tế quản lý ngành và cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải sinh viên cứ học xong là được hành nghề bác sỹ. Ngành y là ngành có kiểm soát rất chặt, học tập thời gian dài hơn, có 2 năm thực tập ở bệnh viện, qua sát hạch mới được hành nghề …

Cảm ơn ông. 

Theo thống kê, ở trình độ ĐH, hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo bác sỹ đa khoa và 23 cơ sở đào tạo dược; ở trình độ CĐ, có 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng, 41 cơ sở đào tạo dược. Điều đáng lưu ý là trong số này có rất nhiều trường dân lập. Trong khi các trường y, dược có truyền thống lấy điểm đầu vào rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược, ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh,... thì ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm trên sàn một chút, thậm chí chỉ cần bằng điểm sàn đã có thể theo học ngành y.    

P.V

Điểm xét tuyển đầu vào của ĐH KD-CN thấp hơn nhiều trường khác

Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Cục Khoa học đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: “Sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định thống nhất trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: “Điều cần quan tâm ở đây là trường có năng lực đào tạo hay không, điều này căn cứ vào các  tiêu chí, điều kiện mở ngành. Về việc này Bộ Y tế đã có những quy định rõ ràng”. Đại học Kinh doanh-Công nghệ cũng dự kiến điểm xét tuyển đầu vào là 20, theo ông Cường, mức này thấp hơn so với nhiều trường y khác.

Thái Hà

MỚI - NÓNG