Thực tế là có rất nhiều việc phải làm ở một trường đại học và chắc không có một bộ phận nào được phân công đi thẩm tra đâu là quần bò đâu là quần âu để bắt sinh viên cởi ra hay mặc vào.
Trước đó, Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) cũng được công chúng cả nước biết đến vì điều khoản “Cấm mặc quần jean, áo thun, mang dép lê” trong “Quy định về thực hiện văn hóa công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên” của trường.
Được biết văn bản cũng khẳng định, quy định như thế là “phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện thực tế của trường”. Trong khi điều kiện thực tế của sinh viên có thể là chỉ toàn mặc quần bò vì tiện lợi và... tiết kiệm xà phòng giặt. Điều thú vị là trường này cũng chỉ quy định cho có.
Nếu bây giờ lại có đội “sao đỏ” đi rạch quần bò sinh viên nữa thì đúng là bánh xe lịch sử đã quay về những năm 1970 khi Hà Nội đầy những đội thanh niên cờ đỏ được quyền ra đường chặn người để rạch quần ống loe, cắt áo đuôi tôm, cắt đầu (với những ai để tóc dài)...
Những người tự cho mình có quyền rạch quần nghĩa là không công nhận quyền mặc quần loe của người khác. Thế bây giờ những người thích mặc quần loe cũng lại ngăn chặn những người kia rạch quần thì bằng hòa.
Muôn đời đám đông phải được chia thành (ít nhất) hai phe để đấu tranh, để phát triển?! Nói chung sinh viên có quyền mặc thì nhà trường cũng có quyền cấm. Thế mới gọi là “dân chủ” đầy đủ. Nghe nói một số trường học phổ thông ở Mỹ cũng có những quy định cụ thể như cấm mặc quần tập yoga đến lớp, trừ khi phần đũng (bó sát) được áo sơ-mi phủ lên. Sinh viên vẫn còn cho mình quyền chọn trường cơ mà.
Trong lịch sử dân tộc cũng có khi chả có quy định gì mà gần như toàn dân mặc một màu, một kiểu quần áo vì cũng không có điều kiện kinh tế để mà lựa chọn. Đến khi có nhiều lựa chọn quá, đâm ra lại hoang mang...