Quy trình tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam khác biệt so với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Hà Nội. Ảnh: H.M
Tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Hà Nội. Ảnh: H.M
TP - Số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng ​qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Thông tin trên được Bộ Y tế cho hay chiều 8/4.

Chưa phát hiện trường hợp nào bị đông máu

Tính đến ngày 8/4, sau một tháng triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đã có hơn 55.000 người tiêm an toàn. Trong quá trình tiêm, hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng một phần nghìn trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.

Vắc-xin này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là 1 trong 3 vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021.

Trong quá trình tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì vì đây là dấu hiệu thường gặp phải không chỉ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mà còn cả ở trường hợp tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm khác. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Quy trình tiêm vắc-xin khác biệt so với thế giới

Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.

Cụ thể, cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.

Bộ Y tế cho biết, theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và WHO, trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca rất hiếm gặp. Trong khi đó lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên. Do vậy, WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 của AstraZeneca để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.