Quy hoạch và lợi ích

TP - Câu chuyện quy hoạch và quyền lợi của các ngành, địa phương đang được bàn thảo khá sôi nổi tại Quốc hội. Cụ thể ở đây là câu chuyện giữ hay bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng “quy hoạch xây dựng được tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại giấy phép con”. 

Theo đại biểu này, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua là một đột phá trong hoạt động quy hoạch theo hướng tích hợp các quy hoạch để tránh chồng chéo. Do vậy, việc duy trì quy hoạch xây dựng là dung túng cho một nhóm lợi ích, gây khó cho người dân, doanh nghiệp. 
Tuy nhiên, theo một số đại biểu khác mong muốn chủ quan tích hợp tất cả các bản quy hoạch trong bối cảnh xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều “lộn xộn” như hiện nay không phải là bài toán đơn giản.

Chính việc quy hoạch không có tầm nhìn, quản lý quy hoạch không chặt chẽ mới dẫn tới những hiện tượng “con đường đắt nhất hành tinh” hay “đường cong mềm mại” tại Hà Nội; quy hoạch Bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng và việc “quy hoạch thừa 4,3 ha” tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh chóng dẫn tới cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải. Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự nhau tràn ngập khắp vùng. Đất nông nghiệp, ao, hồ, sông, suối, các vùng phụ cận bị chiếm dụng một cách thiếu kiểm soát. Đường sá tắc nghẽn vì lượng xe tư nhân tăng nhanh, cung cấp điện nước sạch không theo kịp nhu cầu. Để giải bài toán tổng thể nói trên thì quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh cần được tổ chức nhằm hoạch định các khu vực, đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững. 

Thực tế, theo nhiều chuyên gia, ở đây không phải là câu chuyện lợi ích nhóm mà là tính khả thi của việc tích hợp. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, với bộ máy tổ chức như hiện nay thì sẽ không khả thi. “Nếu chỉ có một bản quy hoạch cấp tỉnh thì các ông sẽ mắc ngay lập tức. Bởi vì quy trình nào để ông ra được bản quy hoạch ấy? Ai sẽ là người làm, làm như thế nào? Liệu Sở KH&ĐT của tỉnh có chỉ đạo được các sở khác để làm hay không, rồi làm xong có được thực thi hay không?”, ông Võ lo ngại.

Cử tri và nhân dân mong muốn có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo gây rất nhiều hệ lụy xấu trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu lợi ích giữa các ngành không được xác lập rõ ràng, sự phối hợp không nhịp nhàng thì sẽ tiếp tục có những bản quy hoạch “trên giời”. Cùng với đó là tình trạng điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.