Có chấm dứt được tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch?

Có chấm dứt được tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch?
TPO - Nhiều ý kiến đại biểu và chuyên gia cho rằng, trước sự phát triển đô thị thiếu đồng bộ và kiểm soát thì cần giữ lại quy hoạch xây dựng tỉnh và có quy đinh rõ tránh tùy tiện điểu chỉnh quy hoạch.

Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch vào cuối kỳ họp này. Hiện còn khá nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tích hợp quy hoạch và sự cần thiết của quy hoạch xây dựng tỉnh.

Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh chóng dẫn tới cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải. Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng.

Đất nông nghiệp, ao, hồ, sông, suối, các vùng phụ cận bị chiếm dụng một cách thiếu kiểm soát. Đường xá tắc nghẽn vì lượng xe tư nhân tăng nhanh, cung cấp điện nước sạch không theo kịp nhu cầu. Những vấn đề về cấp thoát nước đô thị, xử lý nước thải, chất thải rắn về môi trường ngày càng gia tăng…

Để giải bài toán tổng thể nói trên thì quy hoạch đô thị cần được tổ chức lập nhằm hoạch định các khu vực, đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững. Do vậy, nhu cầu cấp thiết là pháp lý quy hoạch đô thị cần phải xác lập ổn định, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp quy hoạch đô thị đương đại tiên tiến trên thế giới, tiếp cận một cách khoa học để định hướng phát triển đô thị.

 Ông Sơn kiến nghị Quốc hội và Chính phủ giữ nguyên quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống. Dẫn chứng cho đề xuất nói trên, ông Sơn đã phân tích sự ảnh hưởng của quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch đô thị đối với TP Đà Nẵng. Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2020, năm 2013, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

 Giao sư Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, bên cạnh quy hoạch tỉnh tích hợp chung của Luật thì quy hoạch chuyên ngành vẫn phải thực hiện theo Luật chuyên ngành. Chính phủ đưa ra Dự thảo giữ lại quy hoạch vùng tỉnh của Luật Xây dựng, mà hiện gọi là Quy hoạch xây dựng tỉnh là cần thiết.

“Tư tưởng tích hợp hết là đúng, nhưng bộ máy thực hiện  đã phù hợp, tương thích chưa”, ông Võ băn khoăn. Theo ông Võ, quy hoạch phải có yếu tố không gian, phải đặt vào mặt đất chứ không phải chỉ ngồi nói chỉ số này, chỉ số kia- đấy mới chỉ là chiến lược chứ không phải là quy hoạch. “Đã quy hoạch thì phải gắn với không gian. Bây giờ vẫn là bài toán trước đây, một bên là Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Làm thế nào để 3 quy hoạch này xuất hiện nhưng không chồng chéo, không xung đột. Không thể nào quy hoạch tỉnh mà nhồi được hết.”, ông Võ nói.

Cần quy hoạch xây dựng tỉnh

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Quy hoạch tỉnh theo đề xuất trong Luật Quy hoạch và Quy hoạch xây dựng tỉnh được đề xuất trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có những nội hàm khác nhau.

“Ai đó cho rằng, nội dung (nội hàm) của Quy hoạch xây dựng tỉnh đã tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thì tôi cho rằng chưa thực sự đầy đủ, chính xác”, ông Nghiêm nói. Thực tế Quy hoạch tỉnh được xác định theo Luật Quy hoạch và được đề cập trong Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch là những quy hoạch định hướng, quy hoạch chung. Còn Quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh. Đây là một nguyên tắc, cách tiếp cận rất hợp lý.

Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có đề xuất quy hoạch xây dựng tỉnh là không trái với Luật Quy hoạch và không trái các luật khác. Nó chỉ là cụ thể hóa một cách tiếp cận rất khoa học và đồng bộ.

MỚI - NÓNG