Quy định về bí mật cản trở báo chí nhiều nhất

Người của Cty TNHH Trường Giang từng đuổi đánh phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Đức Minh
Người của Cty TNHH Trường Giang từng đuổi đánh phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Đức Minh
TP - Nếu như cơ quan nhà nước có chiếc khiên “bí mật nhà nước” thì doanh nghiệp - đối tượng cản trở báo chí phổ biến thứ hai sau cơ quan nhà nước - lại có công cụ là “bí mật công tác”.

> Cơ quan thuộc Bộ GTVT phải chủ động thông tin cho báo chí

“Nghiên cứu- truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” công bố hôm qua ở Hà Nội cho biết.

Người của Cty TNHH Trường Giang từng đuổi đánh phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Đức Minh
Người của Cty TNHH Trường Giang từng đuổi đánh phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Đức Minh.
 

Né tránh và mua chuộc

Nội dung xuyên suốt của dự án là nhận diện các hành vi cản trở các nhà báo tác nghiệp. Nhóm nghiên cứu phát hiện 12 hành vi chính cản trở báo chí tác nghiệp, trong đó có gây khó dễ, giữ người, bôi nhọ vu khống thậm chí quấy rối tình dục để không tác nghiệp được. Hành vi cản trở phổ biến nhất, được hơn một nửa ý kiến đồng tình, là “né tránh cung cấp thông tin”. Phóng viên làm ở báo in bị cản trở tác nghiệp
nhiều nhất.

Liên quan đến đối tượng cản trở nhà báo tác nghiệp, “chiếm tỷ lệ cao nhất là các cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước”, nhà báo Phan Lợi, trưởng nhóm nghiên cứu, nói. “Cơ quan nhà nước, mà đại diện là các cán bộ công chức, là lực lượng cản trở báo chí tác nghiệp nhiều nhất và bằng các biện pháp mềm, các hình thức nhẹ nhàng. Nhóm hành vi cản trở của họ chủ yếu là né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, cố ý ngăn chặn gián tiếp hoạt động tác nghiệp, và mua chuộc để không đăng tin bài”.

Việc cán bộ nhà nước cản trở báo chí tác nghiệp tuy phổ biến nhưng lại khó nhận diện do đó, rất khó xử lý. Nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước vin vào những lý do xác đáng để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 về bí mật nhà nước định nghĩa khái niệm này rất rộng, chia thành ba cấp độ tuyệt mật, tối mật và mật. Bí mật nhà nước nằm ngoài phạm vi tuyệt mật và tối mật thì thuộc độ mật, do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Kết quả là, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoàn toàn có đủ thẩm quyền đề xuất thông tin nào đó là bí mật nhà nước để Bộ Công an thẩm định, phê chuẩn. Thế là có ngay một vùng cấm để báo chí không thể tiếp cận.

Doanh nghiệp – đối tượng cản trở báo chí phổ biến thứ hai sau cơ quan nhà nước - lại có công cụ là “bí mật công tác”. Một vụ việc điển hình gây tranh cãi, xảy ra gần đây, là khi tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam, bị cháy. Nhiều phóng viên tác nghiệp bị lực lượng bảo vệ tòa nhà hành hung, giật máy ảnh, với lý do, theo quy định của họ, đây là khu vực cấm chụp ảnh.

Những người phản đối báo chí tác nghiệp trong trường hợp này cho rằng, khi một không gian thuộc sở hữu tư nhân thì tư nhân đó có toàn quyền đối với nó, có thể cho phép hoặc cấm chụp ảnh tùy ý, họ không có nghĩa vụ phải trình bày lý do. Phía ý kiến ủng hộ báo chí lại cho rằng, mặc dù phóng viên tác nghiệp trong khu vực thuộc quyền quản lý của đơn vị sở hữu Keangnam, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt (hỏa hoạn), báo chí có quyền hoạt động nhân danh phục vụ lợi ích công.

Do cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có sẵn hai công cụ bí mật nhà nước và bí mật công tác, nên cũng dễ lý giải khi đây là hai nhóm cản trở báo chí tác nghiệp nhiều nhất. Ngành nào tận dụng được hai công cụ trên nhiều nhất, thì cản trở báo chí nhiều nhất.

Thực tế cho thấy, ngoài an ninh, quốc phòng, ngân hàng - tài chính là ba lĩnh vực có đặc thù riêng cho phép một mức độ khép kín với báo chí, các nhóm ngành nghề khác mà báo chí tác nghiệp rất khó khăn là cấp và sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, hoạt động giải quyết công việc của công dân…

Từ chối cấp thông tin - Chưa có chế tài phạt

Ở Việt Nam, quyền được thông tin được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân, đã được xác định ngay từ Hiến pháp 1946. Quyền này được cụ thể hóa hơn nữa trong Hiến pháp 1992.

“Chưa có Luật Tiếp cận Thông tin, nhưng với việc ban hành hàng loạt văn bản pháp luật liên quan tới quyền được thông tin của công dân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ, có thể thấy Đảng và Nhà nước đều quán triệt tinh thần “thông tin, minh bạch và bước đầu đã có những đạo luật nhằm hỗ trợ công dân thực thi quyền này”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, nói.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, các văn bản đã ban hành vẫn chỉ là những quy định liên quan đến việc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho nhân dân, nằm rải rác trong những văn bản pháp luật khác nhau, chứ chưa có một đạo luật cụ thể nào được ban hành về quyền tiếp cận thông tin.

Thực tế, quyền tiếp cận thông tin của nhân dân nói chung và nhà báo nói riêng chưa được thực thi đầy đủ.

Triển khai trong một thời gian khá ngắn, từ 20-6-2011 và dự kiến kết thúc vào đầu năm 2012, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 384 nhà báo đang hành nghề bằng các bảng hỏi định lượng và định tính theo chuẩn quốc tế, xử lý ý kiến của 72.000 độc giả trên sáu tờ báo trực tuyến có uy tín ở Việt Nam.

Đảm nhiệm công việc này là Red Communication, một tổ chức có chức năng nghiên cứu về lĩnh vực truyền thông thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.