Quy định Nhà nước thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại chưa rõ ràng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã có sự thay đổi lớn so với trước. Tuy nhiên, còn có những quy định chưa đủ rõ ràng, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không?

Sáng 9/6, thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã có sự thay đổi lớn so với trước.

Cụ thể, dự thảo mở rộng, liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, quy định như tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu sang các trường hợp đấu giá tạo lập quỹ đất và đấu thầu là chưa rõ nội hàm, mâu thuẫn về cách tiếp cận so với các trường hợp khác được xác định theo tính chất, mục tiêu của dự án, hoạt động, công trình xây dựng.

Quy định Nhà nước thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại chưa rõ ràng ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý

“Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí để xác định trường hợp thu hồi đất”, ông Thanh nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo ông, điểm e khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 112, trong đó, liệt kê các dự án sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả “dự án nhà ở thương mại” còn chung chung, chưa đủ rõ ràng.

"Các trường hợp thực hiện “dự án nhà ở thương mại” mà Nhà nước thu hồi đất, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, phân biệt với trường hợp chủ đầu tư thực hiện “dự án nhà ở thương mại” thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất mà mình đang có", ông Thanh nêu.

Từ đó, ông Thanh nhấn mạnh, các quy định về nội dung này chưa thể chế rõ nội dung Nghị quyết số 18 về: “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng điểm g khoản 3 Điều 79 dẫn chiếu đến điểm b khoản 1 Điều 126 là “dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 05 ha trở lên tại khu vực đô thị” cũng không hợp lý, không xác định được “trường hợp thu hồi đất để đấu thầu” trước, hay xác định “danh mục công trình, dự án thực hiện đấu thầu” trước.

“Đây là quy định quan trọng của Luật Đất đai, khoanh định các trường hợp thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất, có tác động lớn đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, chỉ được thực hiện khi được quy định tại Hiến pháp, luật và đáp ứng tiêu chí “để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Vì vậy, cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trên thực tiễn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.