Quy định 'bổ sung vi chất' làm khó doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm thực phẩm được yêu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ảnh: U.P
Nhiều sản phẩm thực phẩm được yêu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ảnh: U.P
TP - Đang dần hồi phục sau dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) TPHCM lại gặp khó về quy định bổ sung “vi chất dinh dưỡng” trong chế biến thực phẩm khi Bộ Y tế muốn “siết” việc thực thi.

Bất cập, tốn kém

Theo Nghị định 09 về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm, DN phải sử dụng muối bổ sung i-ốt, bột mì bổ sung kẽm và sắt để sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước.

Bà Huỳnh Kim Chi - Tổng Giám đốc Công ty Bột mì Quốc tế cho biết, khi thực hiện quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác. Ở các nước xuất khẩu bột mì không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột nên khi DN đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm thì không được nhà cung cấp chấp thuận. “Sau khi DN nhập bột mì phải tiến hành bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, đã làm gia tăng rất lớn chi phí và giá thành của sản phẩm” - bà Chi cho biết.

Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, Hội đã thử nghiệm bổ sung i-ốt trong nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn. Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm có quá trình chế biến dài như nước mắm truyền thống, thời gian ủ lên tới 12 tháng ở điều kiện phơi nắng có nhiệt độ cao cùng với thời gian lưu giữ muối trước khi chế biến từ 2-3 tháng, i-ốt bay hơi rất nhanh dẫn đến việc sử dụng muối có chứa i-ốt không có tác dụng, gây lãng phí không cần thiết.

Tiến sĩ Đỗ Việt Hà - Hội Hóa học TPHCM cho biết, người bị thừa sắt, các cơ quan nội tạng bị tổn thương, mệt mỏi, suy nhược cơ thể...; thừa kẽm thường bị nôn ói, chóng mặt, mầm bệnh dễ phát triển... Tình trạng thừa i-ốt (thường tập trung ở những người ăn mặn, ăn rong biển, cá, tôm...) sẽ tăng nguy cơ ngộ độc i-ốt.

“Nước mắm truyền thống là mặt hàng giàu i-ốt tự nhiên từ nguyên liệu cá biển. Thế nhưng, nếu dùng muối i-ốt để ủ thì nước mắm bị biến đổi màu thành đen sậm thay cho màu cánh gián tự nhiên. Đặc biệt, nếu dùng muối i-ốt sẽ làm thay đổi quy trình sản xuất nước mắm truyền thống của nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ” - bà Liên phân tích.

Bà Lý Thanh Lâm - đại diện cơ sở sản xuất thực phẩm Đại Phong (huyện Bình Chánh) than thở, việc sử dụng muối có tăng cường i-ốt khiến chi phí tăng thêm 5% nhưng không còn hiệu quả cho người sử dụng. Nguyên nhân là sau quá trình xử lý nhiệt, sản phẩm không còn tồn dư i-ốt hoặc còn rất ít.

Đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết gặp nhiều khó khăn khi bổ sung vi chất. Cụ thể, nhiều nước nhập khẩu không chấp nhận việc bổ sung sắt, kẽm vào sản phẩm. Vì vậy, công ty phải sử dụng nguyên liệu bột mì khác nhau để sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Để tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này, cần phải có một dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm xuất khẩu. Nhưng để đầu tư riêng một dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu thì chi phí lên tới 100 tỷ đồng, trong khi doanh thu xuất khẩu còn quá nhỏ. Vì vậy, công ty buộc phải dùng chung dây chuyền vừa sản xuất hàng nội địa vừa làm hàng xuất khẩu.

Chỉ nên khuyến khích sử dụng

Chuyên gia Vũ Thế Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng: “Việt Nam là quốc gia duy nhất bắt buộc các DN thực phẩm phải sử dụng muối i-ốt, bột mì bổ sung kẽm, sắt mà không quan tâm tới khó khăn và tác động tiêu cực trên chất lượng, hiệu quả. Ở các nước áp dụng có chọn lọc tùy theo khẩu phần ăn. Thậm chí có những nước thừa vi lượng và cấm sử dụng như Nhật Bản”.

Theo các chuyên gia, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu theo hướng bãi bỏ quy định bổ sung vi chất vào muối và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09, nhưng Bộ Y tế gần đây lại có văn bản yêu cầu các DN thực phẩm tiếp tục thực hiện nghiêm quy định Nghị định 09 và đang xây dựng kế hoạch tăng cường thực thi nghị định này. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng vừa qua đã đồng loạt kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ Nghị định 09.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc quy định bổ sung muối i-ốt, sắt và kẽm khi chế biến, sản xuất càng làm cho nhiều DN trong ngành thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. “Nghị định 09 thiếu hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Vì vậy, trong nhiều năm, các Hội ngành nghề và FFA đã liên tục kiến nghị với Bộ Y tế là phải hoàn chỉnh sửa chữa theo yêu cầu của Chính phủ, tức là không bắt buộc mà chỉ khuyến khích DN sử dụng”, bà Chi nói.

MỚI - NÓNG