Quốc tế đánh giá cao báo cáo nhân quyền Việt Nam tại LHQ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Ảnh: TTXVN
TP - Đại diện Việt Nam ngày 5/2 trình bày báo cáo về tình hình nhân quyền trước Liên Hợp Quốc (LHQ), đồng thời đối thoại trực tiếp với các nước thành viên về tình hình luật pháp, chính sách và thực tế tự do ngôn luận, báo chí, internet, tôn giáo... Cộng đồng quốc tế đánh giá cao báo cáo này.

Ngày 6/2, Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đoàn Việt Nam (với sự tham gia của đại diện 11 bộ, ngành do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu) đã trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

(Tiếp theo trang 1)

Báo cáo nói rằng, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận, kết quả đạt được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt chú ý tới các nhóm dễ bị tổn thương…

Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền với việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, gia nhập thêm các công ước về quyền con người, đón các Thủ tục Đặc biệt (báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập, nhóm làm việc…) của Hội đồng Nhân quyền thăm Việt Nam, đối thoại nhân quyền thường niên với các đối tác, đóng góp tích cực vào cơ chế nhân quyền ASEAN…

Báo cáo cho biết, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người với việc thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013, bổ sung và ban hành Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người khuyết tật, Luật Luật sư…

Các quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam đã được thúc đẩy và đảm bảo tốt hơn trên thực tế, với 30 triệu người sử dụng internet, phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương chính sách tại Quốc hội, diễn đàn, blog diễn ra sôi nổi...

Trong lĩnh vực tôn giáo, kể từ năm 2009, Việt Nam công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, xây dựng các cơ sở thờ tự, tạo điều kiện cho việc sinh hoạt điểm nhóm, in ấn, phát hành kinh sách, thúc đẩy giáo dục, đào tạo về tôn giáo. Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện phát triển cho các nhóm yếu thế, công đoàn, tổ chức xã hội, nghề nghiệp...

Những khuyến nghị

Báo cáo của Việt Nam được đa số các nước tham gia phiên đối thoại đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người và hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, các nước tiếp tục khuyến nghị Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ…

Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm… trong điều kiện kinh tế khó khăn; đồng thời thúc đẩy hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ và các Cơ quan Công ước.

Các nước ASEAN hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.

Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát được tổ chức bốn năm một lần tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhằm kiểm tra định kỳ tình hình bảo đảm nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia.

Ba nước Costa Rica, Kazakhstan và Kenya chủ trì phiên chất vấn lần này. Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

MỚI - NÓNG