50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' - Bài 9:

Quay B-52 rơi, thành tác phẩm đoạt giải quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đạo diễn Phạm Việt Tùng là quay phim của Ban Vô tuyến Truyền hình, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong trận chiến lịch sử ấy, sau nhiều lần cầm máy quay dưới bom đạn bời bời, nhà quay phim Việt Tùng đã quay được B-52 rơi trên bầu trời Hà Nội. Sau đó, tác phẩm “Hà Nội-Điện Biên Phủ” của ông đã đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế.

Quay B-52 đầu tiên rơi tại Thủ đô

Trong những lần gặp đạo diễn (ĐD), nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Tùng, mỗi khi nhắc đến chuyện nghề, tôi đều được ông nhắc lại chuyện quay được B-52 rơi trên bầu trời Hà Nội, và coi đó là khoảnh khắc lớn nhất trong đời làm nghề của mình. Lần này có dịp hỏi kỹ ông về chuyện quay B-52 rơi, ĐD Việt Tùng đã mở đầu bằng chuyện quay chiếc B-52 rơi… dưới đất, nhưng đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử.

ĐD Việt Tùng kể, khi chiến dịch đánh B-52 bắt đầu, tốp quay phim của Ban Vô tuyến Truyền hình được phân thành hai nhóm, một nhóm bám trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) tại khu vực Chèm, còn nhóm thứ hai quay tại nội thành Hà Nội. Phạm Việt Tùng là quay phim chính của nhóm thứ hai. Tối 18/12/1972, khi Đế quốc Mỹ cho B-52 ném bom Hà Nội, Phạm Việt Tùng và các đồng nghiệp trong nhóm vội túc trực để quay nhưng không thu được hình ảnh nào.

Tới nửa đêm, vừa định chợp mắt thì ông được giao nhiệm vụ sang Phủ Lỗ (Đông Anh) để quay chiếc B-52 đầu tiên bị ta bắn rơi. Việt Tùng vội lên đường, và trong bối cảnh chiến tranh ngày đó, phải mất 6 giờ đồng hồ, ông và các đồng nghiệp mới tới được chỗ máy bay rơi. Nơi ấy cách trận địa của Tiểu đoàn 59, đơn vị đã bắn rơi chiếc B-52 này chừng mười cây số.

Khi nhóm của Phạm Việt Tùng đến, mặc dù bị bắn rơi trước đó nhiều giờ, nhưng chiếc B-52 vẫn cháy âm ỉ. Phạm Việt Tùng vội vác máy, quay hình ảnh B-52 từ các góc độ, cố đặc tả những hình ảnh ưng ý nhất để chứng minh rằng đây chính là “siêu pháo đài bay” mà Đế quốc Mỹ từng rêu rao là bất khả xâm phạm, nay đã “ngã kềnh” tại Hà Nội.

Quay B-52 rơi, thành tác phẩm đoạt giải quốc tế ảnh 1

Xác máy bay B-52 rơi tại hồ Hữu Tiệp, nay trở thành một di tích lịch sử. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Trên đường trở về, Phạm Việt Tùng suy nghĩ, hình ảnh B-52 có rồi, nhưng khi dựng thành tác phẩm sẽ đặt tên thế nào? Ông hình dung việc bắn rơi B-52 này là một dấu mốc quan trọng, báo hiệu ta sẽ thắng trong cuộc đối kháng quyết định này. Nếu thua trong cuộc oanh kích, đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng với sự tham gia trực tiếp của Đế quốc Mỹ, khiến họ phải cuốn gói về nước.

“Nghĩ tới đó, tôi bỗng nhớ về những chiến thắng lịch sử của cha ông với kẻ thù xâm lược. Đó là chiến thắng Bạch Đằng đại phá quân Nguyên, trận Chi Lăng - Xương Giang phá tan quân Minh, trận Đống Đa đuổi giặc Thanh về nước. Và gần đây nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc chiến với Thực dân Pháp. Vậy trận chiến này, nếu chiến thắng cũng có thể coi là một trận Điện Biên Phủ thứ hai”- ĐD Việt Tùng chia sẻ.

Về cơ quan, Phạm Việt Tùng trình bày ý tưởng trên với lãnh đạo Ban Vô tuyến Truyền hình, nếu làm phóng sự sẽ đặt tên cho tác phẩm là “Hà Nội-Điện Biên Phủ”. Lãnh đạo Ban chấp thuận, và Phạm Việt Tùng tiếp tục cầm máy quay để quyết thu được những hình ảnh sống động hơn về B-52 để hoàn thành tác phẩm.

Phim “Hà Nội - Điện Biên Phủ” đoạt giải quốc tế

Quay B-52 rơi, thành tác phẩm đoạt giải quốc tế ảnh 2

Nhà quay phim Việt Tùng vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi bộ phim “Hà Nội - Điện Biên Phủ” hoàn thành

ĐD Việt Tùng cho biết, với quyết tâm quay được B-52 bị bắn rơi trên trời, ông đã bàn với phụ quay Đắc Lương chọn một điểm thật cao để quay phim. Sau khi tìm kiếm, hai người đã chọn sân thượng của khách sạn Hòa Bình là nơi có điểm cao lý tưởng để tác nghiệp. Mỗi khi có báo động, trong khi hầu hết mọi người phải xuống hầm trú ẩn thì Việt Tùng và Đắc Lương lại chạy lên tầng thượng khách sạn để “rình” B-52.

“Bình thường, tôi rất sợ độ cao. Nhưng trong những đêm trực chiến để quay B-52, máu nghề nghiệp khiến tôi quên tất cả. Thậm chí, tôi còn tự buộc mình vào một ống nước trên tầng thượng khách sạn để khi quay máy khỏi rung. Đứng trên này, mỗi khi có báo động, nghe tiếng bom nổ, tiếng đạn lửa phòng không bay liên tiếp lên không trung, tòa nhà dưới chân mình cũng rung chuyển bởi chấn động…, nhưng chẳng hiểu sao tôi không có cảm giác sợ”, ĐD Việt Tùng chia sẻ.

“Sau khi “Hà Nội - Điện Biên Phủ” hoàn thành, bộ phim được mang chiếu để báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng rất hài lòng khi xem bộ phim”. ĐD Phạm Việt Tùng

Ngày ấy, điều mà quay phim Việt Tùng sợ là không quay được B-52 rơi. Ngặt nỗi, gần chục ngày trôi qua ông vẫn không được toại nguyện. Bởi mỗi khi B-52 rơi đều diễn ra rất nhanh, nên nhiều lần ống kính quay phim của Việt Tùng đã “vồ trượt”. Đôi lúc ông tự trách mình, trong khi lực lượng phòng không của ta bao khó khăn vất vả mới bắn rơi được chiếc B-52 mà mình chưa làm được việc ghi lại hình ảnh này.

Rồi đêm 27/12/1972, khi tiếng còi báo động vang lên, Việt Tùng và Đắc Lương lại vác máy quay lên sân thượng khách sạn. Lần này, Việt Tùng hướng máy quay về phía bến phà Khuyến Lương để chờ, vì những ngày qua B-52 thường xuất hiện từ hướng này để ném bom. Đang chăm chú quan sát, bỗng Đắc Lương gọi giật: “Anh Tùng ơi, đằng này kia mà”. Việt Tùng vội cầm máy quay lại phía sau.

Trước mắt ông là cảnh tượng chiếc máy bay khổng lồ đang bùng cháy, bốc lên đám lửa lớn làm sáng rực một góc trời đen kịt. Theo phản xạ, Việt Tùng vội đưa máy lên bấm luôn mà không “ngắm nghía” như những lần trước. Và cú bấm máy khó lặp lại lần nữa trong đời hành nghề của nhà quay phim Việt Tùng đã “nuốt trọn” hình ảnh B-52 vào khuôn hình máy quay. Sau đó, chiếc B-52 này đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp, thuộc làng hoa Ngọc Hà.

Khi đã đầy đủ chất liệu, Việt Tùng bắt tay làm phóng sự truyền hình. Với tên phim được ông đặt là “Hà Nội-Điện Biên Phủ”, lãnh đạo Ban Vô tuyến Truyền hình góp ý nên xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghe kíp làm phim trình bày, Đại tướng đã đồng ý. Và bộ phim về B-52 rơi mang tên “Hà Nội-Điện Biên Phủ” được hoàn thành sau khi kết thúc trận chiến 12 ngày đêm không lâu.

Sau đó, bộ phim được chiếu trên truyền hình, rồi được chuyển tới hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa để thông tin về tình hình chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Năm 1974, “Hà Nội - Điện Biên Phủ” đã đoạt giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế được tổ chức tại Tiệp Khắc (cũ).

MỚI - NÓNG