Quanh việc dừng buýt nhanh tại TPHCM: Dự án gây nhiều tranh cãi

Trong khi đó, nhiều đoạn đường cong, khúc cua hẹp rất nguy hiểm cho các phương tiện. Ảnh: Văn Minh.
Trong khi đó, nhiều đoạn đường cong, khúc cua hẹp rất nguy hiểm cho các phương tiện. Ảnh: Văn Minh.
TP - Trước khi UBND TPHCM có quyết định chính thức, việc ngưng hay tiếp tục triển khai thực hiện dự án tuyến BRT số 1 gây nhiều tranh cãi từ các chuyên gia giao thông đô thị.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng (Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM), việc triển khai tuyến buýt BRT số 1 tại TPHCM là thực sự cần thiết bởi dự án có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bộ khung cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng cho rằng từ kinh nghiệm của TP Hà Nội, nếu TPHCM đưa vào hoạt động tuyến BRT số 1 thì nhất thiết phải hình thành một hệ thống xe buýt “gom”, chở khách từ những khu vực xa trục đường của buýt BRT để tăng sự kết nối. Khi thực hiện hệ thống xe buýt “gom”, các đơn vị phải triển khai các phương án một cách hài hòa, bảo đảm an toàn và thuận tiện cho hành khách.

TS Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TPHCM cũng cho rằng việc triển khai, đưa vào hoạt động tuyến buýt BRT số 1 là cần thiết và càng nhanh càng tốt. TPHCM nên mạnh dạn thực hiện, nếu cứ chờ đến lúc đạt được sản lượng hành khách như mong đợi thì không biết đến bao giờ mới làm.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hiển (Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM), nếu lấy bài học từ TP Hà Nội sẽ thấy hiệu quả kinh tế của buýt BRT mang lại rất ít nên nếu triển khai BRT ở TPHCM, các đơn vị phải tính toán kỹ đến yếu tố này.

TS Hiển chỉ ra nhiều số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án BRT số 1 không hợp lý. Đơn cử như số liệu đánh giá vận tốc trung bình của BRT khi đưa vào vận hành cao hơn so với vận tốc của ô tô lưu thông cùng trục đường trên. Ông Hiển cho rằng đánh giá này không thuyết phục bởi tình hình ùn tắc giao thông đang diễn ngày càng trầm trọng.

Theo TS Nguyễn Xuân Long (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), cần nghiên cứu lại dự án bởi báo cáo nghiên cứu khả thi chưa thuyết phục. Nhiều quốc gia đã triển khai BRT và thất bại mà nguyên nhân chính là do bị các loại phương tiện giao thông khác chiếm đường, thiếu kết nối, dẫn tới thời gian đưa đón không chính xác. Nếu TPHCM không giải quyết được điều đó thì khi triển khai BRT chắc chắn sẽ thất bại.

Theo giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, kinh phí xây dựng tuyến BRT số 1 gần 144 triệu USD là rất lớn. Vì vậy, các đơn vị liên quan phải chứng minh được việc đầu tư lớn và ưu tiên (đường riêng) như vậy cho xe buýt nhanh liệu có xứng đáng hay không. 

Khoảng 150 thành phố trên thế giới sử dụng BRT

Theo Ngân hàng thế giới (WB), hệ thống BRT đầu tiên trên thế giới được triển khai tại thành phố Curitiba (Brazil) năm 1974. Tính đến nay trên thế giới đã có khoảng 150 thành phố sử dụng loại hình vận tải BRT với tổng chiều dài gần 3.800 km, mỗi ngày vận chuyển được khoảng 25 triệu lượt hành khách. Tại Việt Nam, WB tài trợ việc đầu tư nghiên cứu sử dụng BRT tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.