Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, hành khách sau khi vận hành.
Vào giờ cao điểm, BRT có dấu hiệu quá tải khi nhiều lượt chuyến chở tới 110-115 khách (lượng khách bình quân giờ cao điểm là 70 khách/chuyến). Tuy nhiên, vào giờ thấp điểm, số khách trung bình mỗi chuyến chỉ đạt 20 người.
Cũng theo ông Hải, với xe buýt thường, lượng khách chủ yếu là học sinh, sinh viên. Còn với BRT, nhiều hành khách là người đi làm. Đây chính là điểm nhấn của BRT bởi sau khi khảo sát, kết quả cho thấy hơn 23% hành khách của BRT là những người bỏ xe máy, ô tô để đi làm bằng buýt nhanh.
Ông Hải khẳng định: "Đây cũng được coi là một tín hiệu tích cực cho BRT bởi khi đặt tuyến BRT vào giữa cung đường hay ùn tắc nhất đơn vị muốn sử dụng một giải pháp giao thông công cộng để giải quyết 1 vấn đề về giao thông. Kết quả là nhiều người dân đã bỏ phương tiện cá nhân để chuyển đổi phương tiện hiệu quả hơn". Trong khi, so với chuẩn BRT của các nước trên thế giới: xe 2 khoang, thẻ từ, làn độc lập... thì BRT ở Hà Nội chưa đáp ứng được do nhu cầu hạ tầng sẵn có.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, sau 8 tháng hoạt động, tuyến BRT 01 đã thực hiện trên 82.400 lượt xe (ngày thường 358 lượt, Chủ nhật: 264 lượt), vận chuyển trên 3,2 triệu lượt khách. Dịch vụ của tuyến có độ tin cậy cao: Lượt xe thực hiện đạt 99,99% so với kế hoạch; lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ cao (98,9%).