Quanh những bài văn dở khóc, dở cười…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã qua nhiều năm, gia đình chúng tôi – người viết bài này, vẫn giữ bài văn của cậu cháu trai, có tên ở nhà là “Bin”. Đề bài: “Hãy kể về một kỷ niệm sâu sắc với thầy (cô giáo) của em”.

Bin khi ấy hình như đang học lớp 3 đã viết một bài văn lủng củng, trong đó có đoạn ví hàm răng trắng của cô chói lóa tựa mặt trời, làn da cô mịn màng và trắng như cát Đà Nẵng… Cậu tả giọng nói của cô giáo: “Giọng nói êm nhẹ, tiếng nói thì thầm đôi lúc làm các bạn ngủ gật luôn”.

Cô giáo vẫn cho Bin 6 điểm với bài văn gây cười này. Đồng thời phê nhẹ nhàng: “Chú ý kể sự việc chân thật hơn”. Mẹ của Bin cho biết, Bin viết bài tập làm văn khi vừa đi du lịch ở Đà Nẵng trở về. Lần đầu tiên cậu bé biết biển Đà Nẵng.

Quanh những bài văn dở khóc, dở cười… ảnh 1

Một số bài văn dở khóc dở cười

Vài năm sau, cháu tôi lại khiến cả gia đình giật mình vẫn quanh môn Văn. Hôm đó, cô giáo ra đề bài: “Hãy kể về chuyến du lịch đặc biệt của gia đình”. Cậu không kể một chuyến du lịch cụ thể, mà kể một chuyến du lịch trong tưởng tượng.

Đại khái câu chuyện như sau: Cả gia đình cậu đang ngồi ô tô dạo phố, bỗng nhiên cậu thấy trời đất quay cuồng. Đến khi mở mắt tỉnh dậy cậu bé nhìn thấy mây bồng bềnh trôi và ông ngoại hiền lành hiện ra. Ông dẫn cậu đi thăm họ hàng đã khuất rồi đưa cậu đi ăn trưa. Trong lúc ăn trưa, cậu vén mây nhìn xuống trần gian thấy bố mẹ cậu khóc đỏ mắt đi tìm cậu. Cậu thương bố mẹ nên tạm biệt ông trở về trần gian.

Bài văn này của Bin vẫn lộn xộn về câu cú, chấm phảy, cô giáo phê: “Trí tưởng tượng phong phú” song không cho điểm. Cháu trai của tôi chưa bao giờ được đánh giá cao ở môn Văn. Cậu bé không cảm thấy phiền lòng nhưng những người lớn ít nhiều lăn tăn. Trí tưởng tượng phong phú nhưng câu cú lộn xộn, khắc phục ra sao? Vì sao cô giáo không chấm điểm?...

Quanh những bài văn dở khóc, dở cười… ảnh 2

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Nhưng tôi nhìn ra ngoài mới biết, hóa ra không chỉ con cháu trong nhà làm những bài văn dở khóc, dở cười. Nhiều người chuyền nhau một đoạn văn tả ông nội của một học trò nhỏ: “Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?”.

Hay một bài văn miêu tả người cha thân yêu của một học trò khác: “Bố em tên là Trần Mạnh Toàn. Năm nay bố 36 tuổi. Bố có hình dáng còi và cao. Bố em hay đánh giắm. Cứ mỗi khi em xem phim lại thấy bố lại đánh giắm hai ba lần”.

Chưa tính việc bé viết sai chính tả (“rắm” chứ không phải “giắm”) thì việc lựa chọn chi tiết để kể về cha đã khiến người đọc bất ngờ. Khi bài văn được lan truyền với tốc độ chóng mặt, một số người đọc cảm ơn học trò nhỏ đã giúp họ được cười thoải mái.

Đừng trách con trẻ

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng đã từng đọc những bài văn “vui tính” của học trò. Ông không thấy buồn cười mà thấy buồn: “Làm văn kém thế thì biết làm sao? Không thể mắng chúng được. Kém là từ cô giáo, từ nhà trường. Cô giáo phê trò nặng nhưng lỗi thuộc về cô giáo, dạy dỗ kém. Chẳng biết dạy cái gì mà ra những bài văn như thế?”.

Mẹ của cậu bé tả giọng nói cô giáo thì thầm làm các bạn ngủ gật có cái nhìn thoáng hơn nhà văn nổi tiếng: “Ban đầu đọc bài văn của con tôi cũng thấy buồn cười nhưng sau đó phải chấn chỉnh. Bọn trẻ con bây giờ học ngữ pháp đuối, câu cú không gọn gàng, lặp liên tục”.

So sánh với thế hệ của mình, phụ huynh của Bin nói: “Trước đây, chúng tôi học nhẹ nhàng nhưng vẫn nắm được ngữ pháp căn bản. Chẳng hạn, khi trạng ngữ đứng đầu câu, thì ngay sau đó phải có dấu phẩy. Còn các con bây giờ, như con tôi viết lộn xộn, không theo quy định nào”.

Dù vậy, mẹ của cậu bé luôn bị đánh giá thấp ở môn Văn lại tin vào thế hệ trẻ: “Tôi thấy chúng dám phá cách hơn thế hệ đi trước. Vì thế có những sáng tạo trong bài viết. Không như chúng tôi hồi trước cứ làm bài theo khuôn mẫu”.

Mẹ của Bin còn cho rằng thế hệ bây giờ dễ trở thành nhà văn hơn: “Tư duy các con rất tốt, chỉ cần uốn nắn cách viết là ổn”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh lại tỏ ra bi quan. Tôi hỏi ông: “Một số phụ huynh cho rằng vì các bạn nhỏ phá cách không chịu theo khuôn mẫu nên mới tạo ra những bài văn dở khóc dở cười, ông nghĩ sao?”.

Tác giả “Ngõ lỗ thủng” “vặn” lại: “Ngày xưa làm gì có “mẫu”? Nhưng thầy cô giáo thời ấy dạy học trò biết cả đời sống, phong tục, tập quán nên ngày xưa trò có thể viết hay hoặc viết dở chứ không viết tự do theo lối thế này”. Ông cho rằng cần chỉnh đốn việc dạy và học văn, cả lời ăn tiếng nói của thầy cô giáo trong nhà trường: “Cứ thế này lớn lên bọn trẻ sẽ ra sao? Bây giờ nhiều thầy cô ăn nói cũng thiếu lịch lãm”.

Cha mẹ không dành thời gian cho con

“Đọc sách, kể chuyện cho con, nói chuyện cùng con sẽ tốt cho việc phát triển ngôn ngữ của con. Một số phụ huynh dành quá ít thời gian cho con nên vốn ngôn từ giao tiếp sơ đẳng nhất của con quá ư nghèo nàn”, một cô giáo dạy Văn ở Quảng Ninh, xin được giấu tên, nêu quan điểm. Cô cho rằng chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của cha mẹ cũng tác động xấu tới trẻ trong hành xử hàng ngày và khi viết tập làm văn: “Cha mẹ không nên ăn nói bỗ bã tùy tiện trước mặt con trẻ, nên tôn trọng con, dù con còn rất nhỏ”. Chị còn nêu ra hiện trạng viết sai chính tả triền miên ở học trò: “Mạng xã hội phát triển, bây giờ bọn trẻ nói, không sai chính tả là không đúng xu hướng”, chị cười buồn.

Chị Đinh Ngọc Quyên, sinh năm 1986, ở Hà Nội, có con trai năm nay học lớp 4 thú nhận, chị thường làm văn hộ con: “Nó không thể tự viết vì không nghĩ ra điều gì để viết. Nó chưa từng tự viết một bài văn nào. Cô giáo giao đề bài, về nhà mẹ viết, nó đọc thuộc, đến lớp chỉ việc chép lại”. Làm sao một người mẹ bận rộn cơm áo gạo tiền lại có thể giúp con trả bài tập làm văn? Chị cười: “Tôi cũng “copy” ở bài văn mẫu, vì cũng chẳng biết viết thế nào!”.

Nhưng chị cũng lo lắng về việc học của con trai mình: “Chúng nó có quá nhiều thứ để học nên thời lượng cho môn Văn đâu có nhiều?”. Phụ huynh của Bin cũng chung quan điểm: “Các con bây giờ học toàn thứ cao siêu nhưng cái cơ bản lại chẳng nhớ”.

Thầy dạy văn đầu tiên chính là… người giúp việc

Theo GS-TS, Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Vương, đổ toàn bộ “lỗi” cho nhà trường khi các con viết những bài văn tệ là chưa hoàn toàn đúng. “Người ta thường hiểu dạy Văn là dạy một môn Văn học. Trên thực tế dạy Văn là dạy một hệ thống tri thức, hiểu biết của rất nhiều phương diện mà trong đó phương diện môn Văn như quan niệm trong nhà trường hiện nay chỉ là phương diện nhỏ.

Học Văn ngày xưa được bắt đầu từ thời thơ bé, mới chập chững tập đi, tập nói đã học Văn rồi. Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là dạy ở gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên của giáo dục. Trường học đầu tiên ấy dạy học ăn ngay sau học nói. Cho nên, dạy Văn là một quá trình lâu dài, chứ không phải học Văn chỉ là đến trường làm mấy bài văn”, Giáo sư Trần Ngọc Vương nói.

Quanh những bài văn dở khóc, dở cười… ảnh 3

GS-TS Trần Ngọc Vương

Ở nhà người lớn thiếu ý thức dạy con trẻ sử dụng ngôn từ một cách đúng đắn và chuẩn mực, là một phần nguồn gốc của những bài văn dở khóc dở cười. “Cứ thử đọc lại những bài văn đó sẽ thấy ngôn ngữ của gia đình, của đời sống được đưa vào thiếu chọn lọc”, Giáo sư Trần Ngọc Vương phân tích.

Thử xem một bài văn khác của một trò nhỏ: “Nhà em có một anh trai tên là Nguyễn Sơn Tùng nhưng anh ấy lại không đẹp trai như ca sĩ Sơn Tùng. Anh trai em gầy và cao lêu nghêu như một cây chuối hột. Răng của anh ấy vẩu và đu ra ngoài nên em hay nói anh ‘ăn đu đủ không cần thìa’…”. Sau đoạn miêu tả vẻ ngoài của anh trai, cậu học trò đi vào phần miêu tả tính cách: “Mỗi khi có đồ gì ăn anh ấy đều trốn vào trong phòng ăn một mình và bị mẹ em quát “sao mày không cho em ăn với và sau đó bị mẹ tát cho “không trượt phát nào”.

Rõ ràng những câu như “ăn đu đủ không cần thìa” hay “tát không trượt phát nào” được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Học trò đã “copy” thiếu chọn lọc, đưa vào bài. Hay như bài văn “mách tội” cha trung tiện không ý tứ.

Đừng trách học trò. Một cô diễn viên trong một chương trình truyền hình hồn nhiên kể chuyện đã từng chứng kiến người yêu làm cái việc ấy. Đã thế cô còn nhờ một diễn viên hài diễn thử cảnh bạn trai “giội bom”. Người lớn còn thế thì trách chi trò nhỏ?

GS-TS Trần Ngọc Vương đánh giá: “Môi trường học Văn ở một số gia đình hiện nay bị rỗng hoàn toàn. Mặt khác, đứa trẻ càng lớn thì ngôn từ tiếp thu của xã hội, của các cộng đồng lớn, bé mà nó tham gia càng nhiều”.

Ông còn đề cập tới vấn đề chọn người giúp việc trong gia đình: “Rất nhiều gia đình khi chọn người giúp việc đặc biệt quan tâm người ấy đến từ vùng quê nào, hiểu biết ra sao? Họ sợ ảnh hưởng trẻ, nhất là trẻ đang tập nói. Chọn kỹ là đúng. Vì đó chính là gốc của Văn. Những người giúp việc là những người thầy đầu tiên của trẻ trong môn Văn học”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu sớm hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu sớm hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường
TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; Kiện toàn và tổ chức hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường...