Có thi trắc nghiệm môn Ngữ văn?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đến thời điểm này đơn vị không có văn bản nào hướng dẫn kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm.

Gần đây, trên mạng xã hội nhiều ý kiến xôn xao về việc từ năm học 2022-2023 học sinh sẽ bắt đầu kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt thông tin khiến nhiều người hoang mang là sẽ giảm mạnh số điểm đánh giá ở phần làm văn, tăng số điểm ở phần đọc hiểu.

Có thi trắc nghiệm môn Ngữ văn? ảnh 1

Không có văn bản nào hướng dẫn kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm.

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nói rằng: Thông tin môn Ngữ văn sẽ kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm là không chính xác.

Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào có nội dung từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá bằng kết hợp cả hai hình thức gồm tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan đối với môn học này.

Cuối tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT chỉ có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, áp dụng từ năm học 2022-2023.

Trong đó, để kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Học văn cần loại bỏ xúc động theo mẫu

Cũng liên quan đến đổi mới dạy và học môn Ngữ văn trong các trường phổ thông, mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định yêu cầu phải đổi mới là rất cần thiết.

Và không phải đến thời điểm này Bộ GD&ĐT mới đặt ra vấn đề đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá mà vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nay. Cái vướng chung hiện nay của cả 2 môn học này là làm sao hấp dẫn được học sinh học và giáo viên hứng thú dạy.

Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người.Cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt cũng như tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn".

Một số vấn đề đối với môn Ngữ văn được giáo viên các trường phổ thông, chuyên gia đặt ra là: Làm thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập; cách nào để dạy học sinh cách đọc hiểu văn bản để học sinh có thể đọc được các văn bản khác cùng thể loại hoặc loại hình; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá môn học; xây dựng đề kiểm tra định kỳ như thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh; xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm như thế nào để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm…

MỚI - NÓNG