Hallyu đã phủ sóng đến đâu?
Hallyu là thuật ngữ bắt nguồn từ các nhà báo Trung Quốc nghĩa là sóng Hàn (Hàn lưu) dùng để chỉ sự xâm thực phi thường của văn hóa đại chúng Hàn Quốc bao gồm: âm nhạc, thời trang, phim ảnh, trò chơi trực tuyến và ẩm thực…
Hallyu phổ biến ở Việt Nam một số năm gần đây. Một kết quả nghiên cứu của Quỹ giao lưu văn hoá Hàn Quốc cho thấy Việt Nam đứng thứ 4 dựa trên các chỉ số hâm mộ của công chúng đối với lối sống Hàn Quốc.
Cho nên không phải chuyện lạ khi phát hiện cây hồng cổ ở thôn Khê Hạ (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) giống hình ảnh một làng quê Hàn Quốc trên truyền hình, nhiều người trẻ đã mang theo hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) đổ xô về đây chụp ảnh.
Người trẻ mặc hanbok chụp ảnh bên cây hồng cổ ở Ninh Bình |
Tại tọa đàm “Chúng ta đã bị Hallyu phủ tới đâu rồi” do nhóm Mộc tổ chức, Tiến sĩ Hà Thu Hương nhận định: “Không chỉ giới trẻ Việt, mà cả người trẻ của Trung Quốc cũng đang bị văn hóa Hàn “nước ấm nấu ếch”. Phải công nhận rằng người Hàn truyền bá văn hóa quá giỏi, và đồng đều trên mọi mặt trận, nhất là những lĩnh vực có thể tác động trực tiếp đến thị hiếu đại chúng như âm nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực... Rất nhiều người bị xâm chiếm văn hóa một cách vô thức”.
Nguyễn Diệu Linh (người từng chụp ảnh ở cây hồng cổ) cho biết: “Tôi đến chỗ này vào ngày nghỉ nên khá đông khách: đa số các bạn mặc hanbok, có người lại mặc đồ Hàn hiện đại – nghĩa là trang phục, ô, tóc và cả cách trang điểm copy nguyên bản của phim Hàn, chỉ có hai người mặc áo dài Việt và ba người khác mặc trang phục bình thường”.
Du học sinh Minh Tuấn (ĐH quốc gia Seoul) chia sẻ thông tin: “Chính phủ Hàn Quốc có hẳn chiến lược có đầu tư hẳn hoi cho việc quảng bá văn hóa Hàn ra toàn thế giới. Ngoài mục đích bành trướng văn hóa, lợi ích kinh tế thu được từ việc này rất đáng kể. Trong một khảo sát mới đây của ĐH Seoul, hơn 70% du khách nước ngoài nói rằng họ được Hallyu đẩy đến Hàn Quốc”.
Nhiều người tham gia tọa đàm là những nhân vật của các bộ ảnh bên cây hồng cổ chia sẻ, chọn hanbok để chụp ảnh đơn giản vì nghĩ khung cảnh này giống với một làng quê Hàn Quốc. Tiến sĩ Hà Thu Hương hỏi: Tại sao bạn không nghĩ đây là khung cảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam??? Khách mời trả lời: Vì trên phim Việt không có những cảnh này, nông thôn Việt Nam chỉ có lũy tre, ruộng lúa.
Cây cô đơn ở Lảo Thẩn trước khi bị chặt |
Để thuyết phục văn hóa cần thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn
Một tọa đàm khác: “Thanh (niên) ta phải thích cảnh ta” do BV (Beauté Vietnamienne) và nhóm nhiếp ảnh D3N (viết tắt của Dọc dài đất nước) phối hợp tổ chức, câu chuyện chụp ảnh bên cây hồng cổ lại lần nữa được đem ra.
“Vấn đề bây giờ không phải là mắng mỏ nhau: sao lại để bị mất gốc văn hóa thế, mà nên đặt ra câu hỏi: làm thế nào để người trẻ Việt tự động bị thu hút bởi những giá trị Việt và bằng cách nào để tạo ra những sản phẩm văn hóa đủ sức ảnh hưởng và lan tỏa, để lôi cuốn người trẻ. Hiện nay, không chỉ giới trẻ, mà cả những người làm văn hóa, người kinh doanh văn hóa đều bị xâm chiếm văn hóa (có cả vô thức và cố ý). Hãy nhìn những dãy phố mới được xây ở Đà Lạt, có khác gì phố Trung Quốc không? Và cả những tượng Elsa, tượng nữ thần Tự do khổng lồ ở Sa Pa dạo nọ... có cái nào được tạo ra để tôn vinh văn hóa Việt không? Cho nên, nếu chỉ lên án và kêu gọi thanh niên hãy yêu văn hóa nước mình đi, mặc áo dài đi, áo ngũ thân đi... mà không tạo ra những giá trị văn hóa đủ thuyết phục thì nói gì cũng chỉ là nói suông mà thôi”, tiến sĩ mỹ học Đoàn Ngọc Hằng chia sẻ.
Họ cũng thích thú với những khung cảnh thuần Việt thế này |
Nhà nghiên cứu Phạm Thế Khôi cho biết: “Người trẻ không phải không yêu văn hóa Việt mà họ có quá ít hình tượng để yêu. Tôi ví dụ: khi trào lưu mặc áo dài ngũ thân (một sản phẩm được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh là thuần Việt) mới khởi xướng, rất ít người hưởng ứng. Rồi dần dần một số chính khách, người nổi tiếng mặc áo ngũ thân, người ta mới chú ý đến nó. Nhưng để lan tỏa ra cả một cộng đồng nhỏ như hiện nay, phải kể đến công của những người phục dựng, may áo và các bạn trẻ mặc áo ngũ thân để chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi. Tôi nghĩ, để một sản phẩm văn hóa thực sự đi vào đời sống, nó phải được ứng dụng rộng rãi, nếu chỉ dừng trên các văn bản nghiên cứu thì rất ít người quan tâm.
Người trẻ mặc hanbok chụp ảnh bên cây hồng cổ ở Ninh Bình |
Đồng tình với quan điểm này, nhiếp ảnh gia Hải Minh kể: Trừ một số ít người có nghiên cứu và có bản lĩnh văn hóa, đa số người trẻ rất dễ bị đu đưa. Họ thích làm theo số đông, thích những thứ độc, lạ. Ví dụ, khi chúng tôi phát hiện cây phong ba trên đỉnh Lảo Thẩn (xã Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) và phong nó là “cây cô đơn”, cộng đồng du lịch rất thích. Sau đó nó trở thành nơi check in không thể bỏ qua của các tín đồ thích “săn mây” ở Y Tý. Rất tiếc, cuối tháng 11 vừa rồi, cây phong ba bị khô cháy một phần nhưng một phần vẫn đâm chồi nảy lộc đã bị một người dân địa phương chặt làm củi. Nói thế để thấy rằng, để tạo ra một sản phẩm du lịch thuần Việt và thu hút giới trẻ không quá khó, tài nguyên của chúng ta rất sẵn. Vấn đề là mọi người có ý thức làm việc đó hay không, và việc đó có được khuyến khích hay không. Bởi vì nếu không được khuyến khích và luật hóa, những việc như chặt cây phong ba làm củi sẽ còn tiếp diễn.