Quảng Trị: Nóng 41 độ C, mua nước, khoan giếng

Hồ Khe Sanh trơ đáy, nứt nẻ. ẢNH: H.T.
Hồ Khe Sanh trơ đáy, nứt nẻ. ẢNH: H.T.
TP - Ngót nửa tháng nay, xứ gió Lào cát trắng Quảng Trị luôn ràn rạt bởi cái nóng luôn vượt ngưỡng 39 độ C. Người dân xứ này chống nóng không giống ai như chui vào nằm, ngồi trong… toilet. Nắng hạn đến độ có nơi đồng bào phải nghiến răng rút hầu bao vài chục ngàn đồng để mua một can nước sinh hoạt loại 20 lít.

Thủ phủ nóng của Quảng Trị là thành phố tỉnh lỵ Đông Hà, liên tục nhiều ngày nay luôn chạm mốc 40-41 độ C. Các khu dân cư liên tục luân phiên cắt điện 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa để ngành điện lực diễn tập phòng chống bão lụt.

Chính ngọ 27/5, ngay khu vực bùng binh cửa ngõ thành phố, đại lộ Lê Duẩn cắt đường Trần Hưng Đạo không một bóng người dưới cái nóng 42 độ C. Nóng đến độ nhiều người dân làm mát bằng cách cho nước vào xô, chậu rồi chĩa quạt vào đó làm mát, tránh quay trực tiếp nóng rát, khó chịu. Không ít người chống nóng rất độc đáo, họa sĩ T.N.L ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị nghĩ ra kiểu chui vào… toilet vừa hoàn thiện nhưng chưa sử dụng nằm tránh nóng, vừa sạch vừa mát bởi dưới “đầu ra” này là hầm chứa có nước bốc hơi lên làm mát.

Ngày 27/5, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, từ giữa tháng 3 đến nay, các hồ thủy lợi, thủy điện ở Quảng Trị đều ở trong tình trạng khô kiệt. Hiện các hồ đập lớn như Kinh Môn Trúc Kinh, Đá Mài, La Ngà, Nghĩa Hy… chỉ còn duy trì mức nước trên 30% đến dưới 50% so với thiết kế.  Hồ Nghĩa Hy ở huyện Cam Lộ là một trong những hồ chứa lớn có dung tích thiết kế 3,48 triệu m3, nhưng nay gần như trơ đáy với mực nước chỉ vào khoảng trên dưới 20%. 

Huyện miền núi Hướng Hóa là nơi tập trung nhiều hồ thủy lợi, thủy điện cung cấp nước cho canh tác nông nghiệp và sinh hoạt của hàng vạn hộ dân. Hiện tại, các hồ Tân Liên, hồ Khe Sanh, hồ Lìa, hồ thủy điện Rào Quán… đang sắp trơ đáy do nhiều tháng liền không mưa. Sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân Hướng Hóa phụ thuộc vào  hồ chứa nên gần 5.000 ha đất canh tác loại cây chủ lực như cà phê, lúa, sắn ở xã  Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng, A Xing, A Dơi, A Túc… có khả năng mất trắng. Hiện có trên 4.000 ha cà phê đã và đang khô héo do thiếu nước.

Từ cuối năm 2014 đến nay, ở huyện Hướng Hóa không có một trận mưa to nào, gây nên đợt hạn lịch sử. Đa số hồ chứa, suối khe khô khốc. Nguồn nước sản xuất nông nghiệp không đủ. Nguồn nước sinh hoạt của hàng chục ngàn người dân ở đây cũng không thể đảm bảo. Người dân thị trấn Khe Sanh và các xã lân cận khoảng 1 tháng trở lại đây liên tục bị mất nước, có nơi mất nước liền 2 - 3 ngày. Người dân phải cắn răng đi mua nước bên ngoài với giá cao hoặc bỏ ra vài chục triệu đồng để khoan giếng.

Theo Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Khe Sanh Nguyễn Hữu Thiện, đây là lần đầu tiên từ năm thành lập (2003), đơn vị mới lâm cảnh căng thẳng như hiện nay. Dù công suất của xí nghiệp là 3.000 m3 nước/ngày, song nguồn nước từ đập Đại Thủy (xã Hướng Tân) cạn kiệt nên các máy bơm chỉ hoạt động mỗi ngày vài tiếng, không thể đảm bảo cấp nước cho 3.450 hộ dân thị trấn Khe Sanh và các xã Tân Liên, Tân Hợp, Tân Long, Tân Lập (con số này chỉ bằng 1/10 thực tế tổng dân cư tại khu vực). Để hoạt động cầm chừng chờ trời mưa, xí nghiệp đang phân vùng, cấp nước luân phiên theo giờ.

Theo Văn phòng UBND huyện Hướng Hóa chiều 27/5, nếu những ngày tới trời không mưa, người dân Khe Sanh và nhiều xã của Hướng Hóa có thể sẽ phải mua nước sinh hoạt từ nguồn cung cấp của tư nhân với giá cao, từ vài chục ngàn đồng trở lên cho 1 can nước loại 20 lít.

MỚI - NÓNG