Số trâu, bò bị bệnh đều có các triệu chứng như loét miệng, chảy nước dãi… Qua kiểm tra và điều trị dịch tễ, bước đầu lực lượng chức năng nhận định nguồn dịch xảy ra tại chỗ, gia súc phát bệnh trong những ngày giáp Tết Nguyên đán nên người dân tự chữa trị và không báo cho thú y cơ sở, làm dịch lây lan nhanh.
Theo bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Trị, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bao vây ngăn chặn vùng dịch. Đến 28/2 đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch, hiện không phát hiện ổ dịch mới. UBND các huyện đã cấp kinh phí để mua vắc-xin tiêm phòng tại các ổ dịch, đến nay đã cơ bản tiêm phòng xong cho đàn trâu bò tại nơi có dịch.
Chiều 28/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho biết, tỉnh đã cấp 700 triệu đồng để mua vắc-xin tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu bò. Song với kinh phí này chỉ mua được gần 29.000 liều vắc-xin, đáp ứng được 50% nhu cầu tiêm phòng cho đàn trâu bò trong tỉnh. Tỉnh Quảng Trị đang rất cần khoảng 60.000-65.000 liều vắc-xin để tiêm phòng cho tổng đàn gia súc trên địa bàn.
Ngay sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh có dịch LMLM, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Sĩ Đồng đã chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khẩn trương tiêm phòng khẩn cho đàn trâu bò. Kiểm soát chặt chẽ các khu vực ra vào vùng dịch, các khu vực giết mổ gia súc sống không để dịch bệnh lây lan, tiếp tục theo dõi xử lý kịp thời, triệt để dịch bệnh trong tỉnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Các địa phương cần khống chế không để người dân chăn thả gia súc ra đồng.