Hiện tượng hải sản chết bất thường thời gian qua đã gây thiệt hại ước tính hơn 141 tỷ đồng; 13.431 hộ với 64.875 nhân khẩu trong tỉnh bị ảnh hưởng.
Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị, mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha với diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại hơn 70%; 7 triệu đồng/ha với thiệt hại từ 30-70%. Diện tích nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 6 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm sú thâm canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 8 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 6 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bị thiệt hại hơn 70% hỗ trợ 30 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu, hộ gia đình có lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy dưới 90 mã lực và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp. Hỗ trợ một lần (3,5 triệu đồng/chiếc) với các tàu, thuyền không lắp máy (kể cả thuyền thúng); 5 triệu đồng/chiếc đối với thuyền, tàu lắp máy dưới 90 mã lực đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng khai thác ra biển đánh bắt hải sản.
Các doanh nghiệp, chủ cơ sở thu mua, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản. Hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý vào bờ khi có cơ quan thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ 70% giá trị sản phẩm đánh bắt.