Quảng Nam: Tiểu thương kéo nhau lên UBND tỉnh phản đối di dời

Ngày 29/6, bức xúc vì bị di dời lên chợ An Sơn, các tiểu thương đã mang cá mực ế ẩm đổ ngay trước phòng BQL chợ Tam Kỳ để phản đối.
Ngày 29/6, bức xúc vì bị di dời lên chợ An Sơn, các tiểu thương đã mang cá mực ế ẩm đổ ngay trước phòng BQL chợ Tam Kỳ để phản đối.
TPO - Sáng ngày 30/6, hàng trăm tiểu thương chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) đã đồng loạt kéo lên trụ sở UBND tỉnh yêu cầu được gặp lãnh đạo để phản đối việc di dời. 

Theo phản ánh của các tiểu thương chợ Tam Kỳ, họ đồng loạt bãi thị để phản đối việc BQL chợ Tam Kỳ di dời các gian hàng bán cá, mực, rau củ từ chợ Tam Kỳ về chợ An Sơn khiến chợ Tam Kỳ vốn ế ẩm lại càng ế ẩm hơn. 

Họ yêu cầu không được di dời bất cứ mặt hàng nào ở chợ. Nếu UBND TP Tam Kỳ và BQL chợ kiên quyết di dời các mặt hàng đi khỏi chợ thì phải trả lại tiền cho các tiểu thương để đi tìm nơi khác để buôn bán.

Bà Lê Thị Trâm, đại diện cho các tiểu thương chợ Tam Kỳ cho biết: Chúng tôi yêu cầu được gặp chủ tịch UBND tỉnh để phản ánh tình trạng ế ẩm của chợ và đề nghị có hướng giải quyết, không được di dời bất cứ mặt hàng nào. Chợ Tam Kỳ tuy đẹp nhưng từ khi đưa vào sử dụng không có khách. Nếu di dời các mặt hàng thực phẩm thì khách sẽ không ghé chợ và tiểu thương buôn bán các mặt hàng khác sẽ chết theo vì không có ai mua.

“Chúng tôi đề nghị chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo để UBND TP Tam Kỳ, BQL chợ Tam Kỳ có hướng giải quyết hợp tình hợp lý, hợp tình người. Chúng tôi đã nhiều lần lên UBND TP Tam Kỳ phản ánh, nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết, nên mới kiến nghị lên tỉnh”, bà Trâm cho biết.

Quảng Nam: Tiểu thương kéo nhau lên UBND tỉnh phản đối di dời ảnh 1

Ban tiếp công dân UBND tỉnh Quảng Nam lắng nghe ý kiến của các tiểu thương

Quảng Nam: Tiểu thương kéo nhau lên UBND tỉnh phản đối di dời ảnh 2

Các tiểu thương vây kín đại diện BQL chợ để phản đối

Bà Lê Thị Hoa (trú tại phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) - một tiểu thương bức xúc: Đời này không ai ngăn sông cấm chợ. Chợ Tam Kỳ mới hoạt động được nửa năm mà nay công an, dân phòng chặn đường không ai dám vào. Chợ chứ đâu phải là công ty, trụ sở mà dám lập barie chặn đường. Chợ gần 100 tỷ bạc dân có đóng góp sao lại cấm buôn bán.

Tại buổi làm việc, đại diện BQL chợ Tam Kỳ cho biết: các hộ tiểu thương phải di dời lên chợ An Sơn sẽ được miễn 1 tháng thuế chợ để bù đắp thiệt thòi, thua lỗ. Tuy nhiên các tiểu thương không đồng ý. Họ yêu cầu được ở lại chợ Tam Kỳ để buôn bán.

Ông Trương Bốn, Trưởng ban Ban tiếp công dân UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: do các tiểu thương kéo lên đường đột nên lãnh đạo tỉnh bận không thể tiếp được. Ban đã điện cho UBND TP Tam Kỳ, nhưng lãnh đạo TP Tam Kỳ báo bận hết nên không tham dự được. Ban tiếp công dân sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các tiểu thương để báo cáo tình hình lên UBND tỉnh xem xét có hướng xử lý.

Đại diện Phòng quản lý thương mại (Sở công thương tỉnh Quảng Nam) cho biết: Sở công thương sẽ nắm ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng chỉ đạo xử lý phản ánh của tiểu thương. 

Việc đầu tư xây mới chợ là chủ trương đúng, nhưng đến nay việc sắp xếp buôn bán là chưa phù hợp, chưa phát huy hết công năng sử dụng. Việc tiếp công dân nhưng không có người của UBND TP Tam Kỳ chứng tỏ chưa quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của người dân. UBND TP Tam Kỳ cần khẩn trương họp các ngành chức năng, họp với tiểu thương để giải quyết các vấn đề. Phải có cơ chế chính sách cho bà con nếu phải di dời, nhưng phải có văn bản rõ ràng, không được nói miệng.

Như Tiền phong đã phản ảnh, ngày 29/6, bức xúc vì bị chuyển chỗ kinh doanh buôn bán dẫn đến ế ẩm, hàng chục tiểu thương buôn bán hàng thủy, hải sản ở chợ Tam Kỳ đã đổ hàng chục kg hải sản ngay phòng BQL chợ để phản đối. Theo phản ánh của các tiểu thương, những ngày qua từ sáng sớm khi tiểu đưa hàng ra chợ Tam Kỳ bán thì lập tức bị đội trật tự đô thị, BQL chợ, dân phòng đuổi và buộc các hộ này phải di dời lên chợ An Sơn. 

Tuy nhiên, khi lên chợ An Sơn các tiểu thương lâm vào cảnh ế ẩm, không bán được vì vắng khách. Trưa ngày 29/6, bức xúc các tiểu thương đưa hàng chục kg hải sản ế ẩm đổ ngay BQL chợ để phản đối, yêu cầu BQL chợ Tam Kỳ để họ ở lại chợ bán.

MỚI - NÓNG