Quảng Nam có hơn 2.700 tàu thuyền, trong đó có 683 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Ngư dân bám biển vừa góp phần phát triển kinh tế vừa góp phần đảm bảo chủ quyền. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao kỷ lục khiến ngư dân méo mặt, không thể gồng gánh bù lỗ đành cho tàu nằm bờ.
Ngư dân thất thần nhìn tàu nằm bờ do giá dầu tăng quá cao. Ảnh Hoài Văn |
Liên bộ Công Thương – Tài chính vừa điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá xăng giảm nhẹ, tuy nhiên giá các mặt hàng dầu đồng loạt tăng mạnh: Dầu diesel 0.05S có giá 25.188 đồng/lít (tăng 1.429 đồng/lít). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu chính thức cao hơn giá xăng
Trước thông tin giá dầu lại tăng, ngư dân lòng như lửa đốt, chuyện vươn khơi trăm bề khó khăn và không thể gồng gánh nổi chi phí.
Những ngư dân nối nghiệp cha ông nhiều đời bám biển, hơn ai hết họ nhận thức rõ vươn khơi bám biển vừa là làm kinh tế nhưng cũng mang sứ mệnh của những cột mốc sống giữ gìn, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. |
Nhưng việc vươn khơi quá khó khăn, khi giá dầu liên tục tăng, ngư trường thì cạn kiệt. |
Tàu xếp hàng dài tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam). |
Những chuyến biển lỗ ngày một nhiều, ngư dân đành lòng cho tàu nằm bờ. |
Ngư dân Huỳnh Ngọc Vũ (ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) buồn rầu khi giá dầu liên tục tăng, chuyện ra khơi ngày càng khó khăn. |
Những ánh mắt xa xăm, đau đáu nhìn ra biển, những con tàu lớn nhỏ xếp hàng nằm bờ. |
Ngư dân Nguyễn Thanh Thành (xã Tam Quang, Núi Thành) có 4 chiếc tàu nhưng mấy lâu nay cầm cự cho 2 chiếc ra khơi. Nay giá dầu tiếp tục tăng khó gồng gánh bù lỗ, nhưng nếu để tàu "treo" lâu thì sẽ rỉ sét, hư hỏng. |
Không khí trầm buồn ở cảng cá Tam Quang. |
Trả lời PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho hay: Trong tình hình này, hiệu quả sản xuất tàu đánh bắt giảm, ngư dân rất khó khăn. Hiện nay nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã nằm bờ do không thể gánh chi phí, chỉ có những tàu nhỏ ven bờ hoạt động, nhưng nguồn lợi thì cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả. “Đây là vấn đề lớn, ngành cũng đang loay hoay nhưng không có cách nào tháo gỡ, đành chờ quyết sách của Trung ương” – ông Tích nói.
Theo ông Tích: Địa phương chỉ làm được những việc trong khả năng và thẩm quyền cho phép như tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, giải quyết nhanh hồ sơ để ngư dân hưởng chính sách hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 nhằm động viên bám biển. Ngoài ra, hướng dẫn ngư dân có thông tin về ngư trường để họ ra khơi nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó tìm kiếm các kênh tiêu thụ để họ tiêu thụ không phải qua đầu nậu, không bị ép giá.
Bám biển với ngư dân chưa bao giờ lại khó khăn đến vậy. |
Ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn khi vươn khơi. |
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình hình ngư dân gặp khó, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân. Trong đó chú trọng việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, giảm số lao động trên tàu cá, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.
Ngoài ra, sẽ từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác vùng xa bờ, tổ chức đánh bắt đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường theo hướng nâng cao hiệu quả...