Quảng Nam đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87%. Ảnh: Hoài Văn
Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87%. Ảnh: Hoài Văn
TPO - Thời gian qua, công tác giảm nghèo ở Quảng Nam đạt nhiều kết quả tích cực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Hàng nghìn hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo bền vững

Năm 2022, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được giao 146 tỷ đồng tổng nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 20,9 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 65,9 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 59 tỷ đồng.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã cấp 16.558 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cho 1.885 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; 1.400 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 791 hộ mới thoát nghèo và 740 hộ giải quyết việc làm với tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay huyện Đông Giang đã hoàn thành công tác rà soát, xây dựng nội dung thực hiện và danh mục công trình các tiểu dự án, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 và dự kiến nguồn lực theo chỉ đạo của Ban Dân tộc.

Quảng Nam đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ảnh 1
Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo từ chương trình giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hoài Văn

Tại huyện Nam Giang năm 2022, được phân bổ hơn 150 tỷ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện gồm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 có kinh phí hơn 54,9 tỷ đồng để thực hiện 53 công trình, hạng mục.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí năm 2022 được phân bổ là hơn 30,5 tỷ đồng và hơn 39 tỷ đồng từ nguồn kinh phí năm 2021 chuyển sang.

Theo các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đại diện huyện Nam Giang cho biết, nguồn vốn phân bổ chậm phần nào đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả và tiến độ giải ngân theo quy định; năng lực cán bộ xã, thôn trong quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 yêu cầu chất lượng được nâng lên theo nhiều cấp độ, trong khi đó các xã thực hiện Chương trình là các xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nên triển khai thực hiện khó đạt mục tiêu đề ra…

Huyện Đông Giang cũng đã kiến nghị cần sớm phân bổ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt các nguồn vốn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kể để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mùa vụ, nâng cao hiệu quả nguồn vốn giao.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,87%

Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 tính đến thời điểm 30/6/2022, tổng số hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam là 33.147 hộ (tỷ lệ 7,60%); tổng số hộ cận nghèo là 8.204 hộ (tỷ lệ 1,88%)..

Tại nghị quyết số 06-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 do tỉnh uỷ Quảng Nam ban hành, Quảng Nam đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%); khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%; các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%/năm.

Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo tự giác đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.

Để triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đề nghị các huyện rà soát, xác định danh mục cụ thể cho từng công trình, dự án; phân bổ vốn có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan, ưu tiên các công trình, dự án quan trọng; có kế hoạch cụ thể về thời gian giải ngân vốn của các chương trình. Rà soát đánh giá lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu để làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch cho năm 2023… Song song đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, nâng cao nhận thức vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Quảng Nam đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ảnh 2

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các huyện phân bổ nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan để các chương trình đạt hiểu quả cao. Ảnh: quangnam.gov.vn

Đối với các kiến nghị, đề xuất của huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các Sở, ngành liên quan tiếp thu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết phù hợp, bảo đảm đúng quy, tạo luận lợi cho địa phương triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG