Thanh Hoá: Nguồn vốn vi mô hỗ trợ giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ nguồn vốn vay thông qua Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hoá, nhiều hộ dân đã giảm nghèo, thoát nghèo.

Một mình nuôi 3 đứa con trong căn nhà lá đơn sơ trên đồi ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá), nhưng chị Lê Thị Huệ không cam chịu số phận, luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Với mong muốn phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương để nuôi các con khôn lớn, nhưng tài sản gia đình chẳng có gì để thế chấp, chị Huệ gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Tháng 8/2022, khi Tổ chức TCVM Thanh Hóa triển khai chương trình hoạt động cho vay vốn tại xã Cao Ngọc, dù suy nghĩ sẽ rất khó có thể vay được vốn nhưng chị Huệ vẫn mạnh dạn tiếp cận.

Thanh Hoá: Nguồn vốn vi mô hỗ trợ giảm nghèo ảnh 1

Nhân viên, cán bộ của Tổ chức TCVM thăm, tặng quà cho gia đình chị Lê Thị Huệ

Biết hoàn cảnh của chị Huệ, cán bộ Tổ chức TCVM đã về nhà chị Huệ thẩm định, đồng thời động viên, tư vấn, tiếp thêm động lực để chị vượt qua khó khăn. Chị đã được vay 40 triệu đồng để bắt đầu công việc trồng cây keo. Dịp Tết trung thu, các con của chị Huệ được cán bộ TCVM Thanh Hóa về tặng quà, động viên. Sự quan tâm ấy khiến chị Huệ có thêm động lực, quyết tâm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo.

Tương tự như trường hợp của hộ gia đình nghèo Lê Thị Huệ, nhiều hộ gia đình khó khăn khác cũng đã được Tổ chức TCVM Thanh Hóa hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế. Trong đó, tổ chức TCVM Thanh Hoá đặc biệt chú trọng đến khu vực vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khu vực nông thôn, miền núi và hướng tới các đối tượng yếu thế, hộ thu nhập thấp, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Thanh Hoá: Nguồn vốn vi mô hỗ trợ giảm nghèo ảnh 2

Cán bộ Tổ chức TCVM tặng quà cho khách hàng là hộ gia đình khó khăn tại huyện Cẩm Thuỷ

TCVM Thanh Hóa đã thực hiện cấp nguồn tín dụng nhỏ cho các đối tượng thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn đặc trưng, cho vay không yêu cầu thế chấp tài sản và thu, phát vốn ngay tại địa phương. Với các hộ nghèo, TCVM Thanh Hóa có một sản phẩm vốn vay riêng, với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ, tạo động lực cho các hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn vay tuy nhỏ nhưng đã giúp các hộ thu nhập thấp trong tỉnh phát triển kinh tế hiệu quả, không chỉ nuôi sống được bản thân và gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho những người dân khác tại địa phương. Qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Sau khi hoàn trả hết vốn vay lần trước, các hộ nghèo lại tiếp tục được vay thêm lần sau với mức cao hơn.

Trong những năm qua, TCVM Thanh Hóa đã liên tục mở rộng địa bàn hoạt động tại 224 xã của 19 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hoá. Tính đến hết tháng 8/2022, TCVM Thanh Hóa hiện đang cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho 49.204 khách hàng, trong đó có gần 18.000 người tham gia vay vốn (88% là phụ nữ, 4% là người dân tộc thiểu số), với tổng dư nợ đạt 386,7 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG