Quảng Nam: Chưa bàn giao, tàu vỏ thép đã nằm bờ

Tàu cá vỏ thép QNa - 94679 TS của ông Liên đang nằm bờ ở Đà Nẵng.
Tàu cá vỏ thép QNa - 94679 TS của ông Liên đang nằm bờ ở Đà Nẵng.
TP - Tàu vỏ thép QNa - 94679 TS của ông Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa chạy thử đã hư hỏng nặng. Hơn 1 năm qua gia đình ông Liên lâm cảnh khốn khó, ông phải đâm đơn ra tòa.

Chối bỏ trách nhiệm

TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa tiếp nhận đơn, xem xét giải quyết việc khiếu kiện của ông Trần Văn Liên đối với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại phòng 606, tháp A1, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo ông Liên, hệ thống máy trên tàu bị hư hỏng ngay từ khi xuống nước và đã phải nằm bờ suốt 2 năm qua.

Ngày 18/9/2015, Cty CP Đóng tàu Bảo Duy ký hợp đồng số 01 với ông Trần Văn Liên về việc đóng mới một tàu vỏ thép nghề lưới chụp hơn 15 tỷ đồng. Ngày 3/12/2015, ông Liên ký hợp đồng với Cty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á mua hệ thống đẩy thủy đồng bộ trị giá 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tối ngày 29/3/2016, khi cho tàu chạy thử thì gặp sự cố hỏng hóc máy.

Ông Liên cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Cty Bảo Duy đưa cho ông Liên 600 triệu và Cty Liên Á đưa 100 triệu. Lúc đưa, cả 2 Cty đều nói đây là tiền ủng hộ người dân mua phụ tùng sửa chữa để đi biển. Máy hỏng nặng, phụ tùng mua về mấy ông bỏ vào không sửa được nên để cả đống từ đó đến nay”, ông Liên nói. Sự việc xảy ra, cả 2 Cty đều đổ lỗi cho nhau buộc lòng ông Liên phải gửi đơn ra tòa.

Trong văn bản gửi TAND TP Tam Kỳ, đại diện Cty Bảo Duy cho biết, các cá nhân thành viên Hội đồng quản trị và tập thể, cán bộ, nhân viên tiến hành quyên góp và chuyển hỗ trợ ông Liên 600 triệu đồng. Vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán giữa ông Liên và Cty Liên Á nên Cty Bảo Duy không có trách nhiệm, không có thẩm quyền để giải quyết.

Vỡ mộng vươn khơi

Ông Liên cho biết, chương trình đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, với ước mơ vươn khơi bám biển, tạo công ăn việc làm cho con cái, phát triển kinh tế, gia đình ông đã bán con tàu vỏ gỗ công suất 320CV. Sau khi bán tàu, ông gom góp, vay mượn được 800 triệu để đóng tiền đối ứng đóng tàu vỏ thép công suất 940CV với tổng mức đầu tư khoảng hơn 17 tỷ đồng. Thế nhưng tàu đóng xong, ráp máy, vừa hạ thủy chưa kịp mừng đã phải nằm bờ. Gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó.

Ông Liên kể: Tàu chuẩn bị hạ thủy, ông và người thân hồ hởi chuẩn bị ra khơi. Ông hợp đồng 3 tháng với 10 lao động, với mức 6 triệu đồng/tháng. Tàu nằm bờ, không còn cách nào khác ông phải hủy hợp đồng, số tiền lao động đã nhận, theo hợp đồng đã ký không thể thu hồi. Hai năm nay ông Liên phải đi làm thuê cho chủ tàu khác. Hai người con trai của ông Liên là tài công và tài máy cũng phải đi làm ăn xa, vì không có tàu đi đánh bắt.

“Lúc đầu cứ nghĩ đóng tàu mới để lên đời, cha con cùng bám biển, vươn khơi. Ai ngờ, gia đình nợ nần, ly tán. Nay lại phải kiện tụng. Tôi mệt mỏi lắm rồi!”, ông Liên thở dài và chỉ mong mọi chuyện được giải quyết nhanh, tàu QNa – 94679 sớm ra khơi, để ông và gia đình làm ăn, trả nợ.

Cùng cảnh ngộ, ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh), đầu tư hơn 11 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép QNa-95997 TS công suất 822 CV. Tuy nhiên, tàu đang phải nằm bờ vì máy bể hộp số. Trước đó, ngày 12/6, khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa cách bờ khoảng 135 hải lý, tàu của ông Thu bị hỏng hộp số, phải thả trôi trên biển. Đến 19 giờ ngày 13/6, một tàu vỏ thép khác của xã Bình Minh tiếp cận được tàu ông Thu lai dắt vào bờ. Ông Thu cho biết, tàu hạ thủy đi đánh bắt vào tháng 11/2015 (hiện đã hết hạn bảo hành), đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Đà Nẵng), Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái (Đồng Nai) cung cấp máy móc thiết bị. Sau khi báo tàu bị hư hỏng hộp số, nhân viên công ty đóng tàu và đơn vị bảo hiểm đã đến kiểm tra. Ông Thu đang chờ kết luận nguyên nhân hư hỏng hộp số.

Mẫu thiết kế tàu vỏ thép của ông Thu là một trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT, hành nghề lưới rê. Ông Thu cho biết, tàu đang tồn tại nhiều bất cập, nước trong khoang cá chảy về khoang máy. Trong khi đó các van vận hành hút nước không hoạt động được nên phải đặt máy bơm chìm để thoát nước. Ngoài ra, khi đánh bắt tàu lắc lư rất mạnh.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 92 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 35 tàu vỏ thép. Tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, làm việc với các chủ tàu và cơ sở đóng tàu để nắm lại tình hình tàu vỏ thép trên địa bàn. Theo ông Tùng, tàu vỏ thép ở Quảng Nam không hư hỏng nặng nề như ở Bình Định. Liên quan đến trường hợp tàu cá của ông Liên, ông Tùng cho biết, phải chờ vào kết quả phân xử của tòa.

Phải tiếp tục vươn khơi

Ngày 29/6, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, việc hàng loạt tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng thời gian qua là sự cố nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của ngư dân và đặc biệt là tạo hình ảnh xấu đến một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

“Sự cố vừa rồi không thể khiến chúng ta dừng bước vươn khơi, nhưng từ đây cơ quan quản lý rà soát việc đầu tư chặt chẽ hơn nữa. Ở đây không chỉ đóng con tàu bằng sắt để đi xa, mà còn vấn đề con người, về khoa học công nghệ bảo quản, làm giá trị thủy sản cao lên”- ông Thắng nói.

Về những sai phạm trong vụ việc 17 tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng vừa qua (do Cty TNNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng), ông Thắng cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm từng bên liên quan. Ông nói: “Chúng tôi đã kiến nghị với Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT, làm sao để những con tàu của ngư dân sớm trở lại đánh bắt, phát huy hiệu quả. Còn qua việc công bố của Tổ thẩm định của UBND tỉnh Bình Định đã thấy rõ trách nhiệm của ai, và phải điều tra, xử lý nghiêm”.      

Phạm Anh

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Ngày 29/6, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, dù 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu chịu khắc phục sự cố nhưng chúng tôi vẫn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra để xử lý, vì đây là nghị định lớn không thể có sai phạm như vậy được. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đền bù cho ngư dân nằm bờ vì lỗi họ gây ra.

Chiều 30/6, Sở NN & PTNT Bình Định có buổi làm việc với đại diện hai công ty đóng tàu xung quanh vấn đề khắc phục đối với từng trường hợp tàu bị hư hỏng. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ, tại hai buổi họp công bố kết quả tổ thẩm định tàu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vắng mặt thể hiện sự thiếu hợp tác. Tại cuộc họp lần này Sở NN&PTNT tiếp tục gửi giấy mời cho đại diện công ty mời tham gia.

            Hoài Văn

MỚI - NÓNG