Quan trọng là biến lời nói thành hành động

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong.
Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong.
TP - “Thông điệp vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất mạnh mẽ và đã tạo ra một áp lực lớn, nhưng quan trọng là phải biến lời nói thành hành động, tạo ra sự chuyển biến thực sự”, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đối thoại với 300 doanh nghiệp vừa qua.

Sẽ tạo ra bước đột phá mới

Ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức ngay một hội nghị đối thoại với hơn 300 doanh nghiệp, theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Hội nghị đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với 300 doanh nghiệp vừa qua có một ý nghĩa rất lớn. Cuộc họp này đã phát đi một thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng mới và hai phần ba bộ trưởng mới. Điều đó cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao và có chủ trương chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, nhân tố rất quan trọng quyết định đến yếu tố tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt là đời sống của người dân cũng như người lao động. Thông điệp này còn ý nghĩa hơn khi trong thời kỳ hội nhập, nền kinh tế của chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn kể cả trong nước và tác động từ thế giới. Đó là một thông điệp thể hiện nhận thức, chủ trương, khả năng khai thác và tập trung lãnh đạo mới của Chính phủ hướng tới hệ thống doanh nghiệp.

Đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi những thông điệp rất rõ ràng, như xác định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, không chồng chéo trong việc kiểm tra, tạo mọi điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển… Ông đánh giá gì về những thông điệp này của Thủ tướng? 

“Những thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy Chính phủ đã bắt đầu đi vào giải quyết những bức xúc, những sự kìm hãm phát triển của đất nước. Tôi hi vọng lần này giữa lời nói với việc làm sẽ khớp lại gần nhau, để những bức xúc của nền kinh tế sẽ giải quyết được, những rào cản giữa chúng ta và thế giới cũng sẽ được giải quyết nhanh hơn, tích cực hơn, từ đó có thể tạo ra hiệu quả tốt hơn”

Ông Cao Sĩ Kiêm

Tất cả các phát biểu của Thủ tướng cũng như các bộ trưởng sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội đều thấy rõ một tư tưởng kiên quyết đi theo kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ. Đồng thời thực hiện một nguyên tắc hội nhập theo thông lệ quốc tế cũng như tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần của Hiến pháp là để doanh nghiệp chủ động tự do làm những gì pháp luật không cấm. Tôi ví dụ, thông điệp không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế có thể coi là một tư tưởng rất mới. Thứ nữa là Chính phủ định ra thời điểm giải quyết những tồn tại về giấy phép con, các thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp… Điều này đã phản ánh đúng đến những vấn đề tồn tại bức xúc từ trước đến nay mà cứ nói nhưng không làm, hoặc làm không phù hợp; nghị quyết một đằng, làm một nẻo, làm mất lòng tin của doanh nghiệp và người dân. 

Những thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy Chính phủ đã bắt đầu đi vào giải quyết những bức xúc, những sự kìm hãm phát triển của đất nước. Tôi hi vọng lần này giữa lời nói với việc làm sẽ khớp lại gần nhau, để những bức xúc của nền kinh tế sẽ giải quyết được, những rào cản giữa chúng ta và thế giới cũng sẽ được giải quyết nhanh hơn, tích cực hơn, từ đó có thể tạo ra hiệu quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo cách điều hành lãnh đạo của Chính phủ cũng như những thông điệp của Thủ tướng vừa qua, tôi tin sẽ có khả năng tạo ra bước đột phá mới trong hội nhập và trong việc giải quyết những tồn tại của đất nước để chúng ta có khả năng phát triển bền vững. Qua đây có thể lập lại được kỷ cương, kỷ luật điều hành – những vấn đề mà từ trước đến nay chúng ta còn rất yếu, như triển khai thể chế còn chậm, tình trạng thoái hóa biến chất, tham nhũng lãng phí còn xảy ra, thủ tục hành chính nói nhiều nhưng làm ít… 

Thủ tướng Chính phủ đã công bố, Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm khiết, điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế, mà chính bản thân doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Chính phủ phải là cơ quan phục vụ đặt lên hàng đầu chứ không phải đặt quản lý lên hàng đầu. Những thông điệp đó có thể gửi đến toàn dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp, phát đi thông điệp với thế giới để tạo ra sự chuyển biến khả quan hơn, qua đó có thể giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2016 - 2020.

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với công chức

Rõ ràng những thông điệp ấy đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong dư luận, tuy nhiên điều người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là làm thế nào để biến lời nói thành hành động, để tạo ra sự chuyển biến thực sự?

Kinh nghiệm trước đây cho thấy, những vấn đề này đã nói nhiều, nói rất kiên quyết, nhưng thực tế nó vẫn còn tồn tại. Bởi vậy chúng ta còn phải theo dõi, xem từ lời nói biến thành hành động ra sao. Điều quan trọng là Chính phủ có tập hợp được các cấp, các ngành cùng vào cuộc để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ không. Tình trạng giấy phép con, thủ tục hành chính đang rất phiền hà, bộ máy, cán bộ còn quan liêu, tham nhũng... cho nên lời nói phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, kết quả cụ thể và phải có sự chuyển biến cụ thể. Ví dụ như vụ việc ở quán cà phê “Xin Chào”, khi nghe tình huống thấy có những tình tiết phức tạp, Thủ tướng đã có chỉ đạo ngay tức thì, yêu cầu các cơ quan tư pháp phải vào cuộc ngay. Một vấn đề tuy nhỏ nhưng có thể coi là bước đầu và đã tạo ra được lòng tin trong nhân dân. Còn những việc lớn hơn, có tính chất lâu bền hơn phải được thực hiện rất nghiêm túc, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện đồng bộ để có sự chuyển biến đồng bộ.

Muốn biến lời nói thành hành động và kết quả cụ thể, cái quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quy trách nhiệm cụ thể rõ ràng thành một kỷ cương mới, thành luật mới, bằng con người cụ thể, cấp cụ thể. Muốn vậy có thể đưa ra xử lý nghiêm minh một vài vụ việc điển hình gây nhiều bức xúc trong dư luận. Quá trình giám sát thực hiện cần được tiến hành rõ ràng, có thưởng phạt nghiêm minh cả về kinh tế và chính trị mới giải quyết được vấn đề.

Liên quan đến câu chuyện giám sát, tại hội nghị đã có một doanh nhân đề nghị phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với bộ máy cán bộ công chức, ông thấy sao về điều này?

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Chúng ta đều biết không ai có thể giám sát trúng, kịp thời bằng chính quần chúng nhân dân, bằng dư luận, bằng tập thể doanh nghiệp. Nếu phát động cả tập thể giám sát bằng hành động cụ thể, như việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với công chức thì chắc chắn sẽ có sự chuyển biến và sẽ có sự đồng tình ngay thôi. Sở dĩ những vấn đề tồn tại hiện nay không xử lý được vì nó liên quan đến lợi ích của nhiều người. Chẳng hạn như cái giấy phép con, bây giờ nếu bỏ thì nhiều người sẽ mất đi lợi ích, mất vị trí, rồi tình trạng xin- cho nếu giờ rạch ròi thì quyền lợi của một nhóm người cũng mất ngay…

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG