Có vô số cách quản trị rủi ro cuộc đời, trong đó có cách tích lũy tài chính thông qua các hệ thống bảo hiểm. Nghề bán bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện từ hơn 200 năm trước, đến nay trở thành một đế chế toàn cầu với doanh thu hàng ngàn tỷ đô la mỗi năm. Hàng triệu người tích cóp những khoản tiền xác định, cầm nắm được, để bảo hiểm cho một tương lai rủi ro mơ hồ bất định của đời mình. Vẫn biết bệnh tật và cái chết không ai tránh khỏi, nhưng cả thế giới từ lâu vẫn thừa nhận bảo hiểm nhân thọ là một giao dịch tài chính phức tạp và khó hiểu. Dù với lịch sử phát triển như vậy, khó thể nghi ngờ hay bắt bẻ gì về tính khoa học và mức độ tính toán chi tiết của ngành kinh doanh dựa trên rủi ro của con người này. Mỹ dẫn đầu thế giới về mua bảo hiểm nhân thọ, với 50% dân số (số liệu năm 2022), nhưng cũng có tới 75% người Mỹ (qua khảo sát của NerdWallet) khi được hỏi, cho biết đã do dự khi mua bảo hiểm nhân thọ.
Điều dễ thấy nhất, đó là rủi ro đến từ chính những con người nằm trong cỗ máy quản trị rủi ro ấy, một khi họ kinh doanh vô đạo đức, tìm cách “gài bẫy” khách hàng mua bảo hiểm để nhét túi những khoản hoa hồng “khủng”. Thậm chí còn có dấu hiệu thông đồng, khiến nhiều người bị nhân viên ngân hàng lừa chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm tích cóp suốt cả đời người sang “mua” bảo hiểm nhân thọ của một “sân sau” nào đó.
Nhưng một khi đã thuộc về sự biến chất nhân cách của con người, thì vấn đề lại trở nên...mênh mông. Loại hình bảo hiểm nào phù hợp và cần thiết để ngăn cán bộ, công chức khỏi dắt nhau vào tù hàng loạt, đến nỗi nhiều nơi không còn người làm việc? Mức lương cao, hay quỹ liêm chính như nhiều người đề xuất? Đó là những biện pháp cần làm, nhưng cũng phải nói rằng khó giải quyết triệt để, khi thực tế nhiều quan chức tài sản tiêu mấy đời không hết, vẫn cần mẫn nhặt nhạnh, tham ô tham nhũng trong từng dự án nhỏ, cho đến tận khi “vào lò”.
Một trong những vấn đề cốt cõi, đó là tiếp tục cải cách thể chế pháp luật, và có những công cụ thật mạnh, thật hữu hiệu để mọi tài sản, nguồn thu nhập được bạch hóa, công khai một cách thực sự, chứ không nặng tính hình thức, hay “bốc thăm ngẫu nhiên” để xác minh tài sản cán bộ như hiện nay.
Đó cũng chính là góp phần tạo ra quỹ “bảo hiểm niềm tin” với dân, để không ai còn cảm thấy rủi ro với những đồng tiền thuế của mình, cũng như về tương lai phát triển của đất nước.