Quản lý xe hợp đồng trá hình: Còn rối trong quy định, thực thi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để quản lý xe hợp đồng trá hình, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa đề xuất loại xe này phải đưa vào bến xe để đón trả khách. Nêu ý kiến về việc này, cả cơ quan quản lý và hiệp hội chuyên ngành vận tải không đồng tình vì cho rằng, hai loại hình này có mục đích, vai trò khác nhau, không thể đánh đồng là một.

Để hạn chế tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động lộn xộn, gây ùn tắc giao thông, Cục ĐBVN đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 (nghị định về quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô) theo hướng, tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng.

Quản lý xe hợp đồng trá hình: Còn rối trong quy định, thực thi ảnh 1

Xe hợp đồng dừng đón khách như xe khách tuyến cố định. Ảnh: Thành Đạt

Với xe hợp đồng cá nhân - loại hình đang có nhiều xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định để đón trả khách tại một hoặc nhiều điểm cố định của công ty vận tải, Cục ĐBVN đưa ra phương án giám sát, xử lý vi phạm phương tiện không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện. Đặc biệt, lần đầu tiên, Cục ĐBVN đưa ra phương án, xe hợp đồng với khách cá nhân phải thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh, thành phố công bố.

Nêu ý kiến về đề xuất này, lãnh đạo Cục ĐBVN cho rằng, hoạt động vận tải khách trong đó có các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM xe khách phải hoạt động đúng bản chất hợp đồng. Việc cho phép xe hợp đồng trá hình đón khách cá nhân phải vào bến xe và được đón trả khách tại các điểm do Nhà nước quy định nhằm tránh ùn tắc, rối loạn giao thông tại các đô thị lớn.

Về thực trạng hoạt động của xe hợp đồng trá hình, lãnh đạo Cục ĐBVN cho biết, hiện cả nước có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách (gồm 5 loại hình, gồm: xe khách liên tỉnh, xe du lịch, taxi, xe buýt, xe hợp đồng); riêng xe khách hoạt động theo dạng hợp đồng là 220 nghìn xe (chiếm 55%), xe khách liên tỉnh 17 nghìn xe (chiếm 4,2%)…

Cũng theo Cục ĐBVN, trong số hơn 220 nghìn xe hợp đồng nói trên có đến 30% là đang hoạt động bắt khách cá nhân tại trụ sở, văn phòng giao dịch theo tuyến cố định nhưng núp bóng xe hợp đồng (xe hợp đồng trá hình). Điều này, theo quy định là không được phép. Số lượng xe này tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TPHCM, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Nguy cơ "vỡ trận" bến xe?

Quản lý xe hợp đồng trá hình: Còn rối trong quy định, thực thi ảnh 2

Cơ quan quản lý và hiệp hội nghề nghiệp lo quá tải, vỡ trận bến xe nếu cho xe hợp đồng vào bắt, trả khách. Ảnh: Anh Trọng

Hiệp hội taxi 3 miền Bắc - Trung - Nam nêu thực tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hợp đồng gây ra. Trong khi đó, tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, xe khách tuyến cố định bỏ bến để hoạt động xe hợp đồng, lập văn phòng đón/trả khách trong đô thị ngày càng phổ biến, đặc biệt loại xe limousine từ 9-16 chỗ. Tình trạng này vừa tạo cạnh tranh không bình đẳng, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Các hiệp hội này đề xuất đưa xe hợp đồng trá hình về đúng bản chất là xe khách tuyến cố định, đóng cửa các văn phòng ở những phố có mật độ dân cư đông đúc, đường chật hẹp. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, xe hợp đồng là một loại hình đã được quy định trong luật. Việc các đơn vị sử dụng văn phòng đón/trả khách sai quy định đã có chế tài và do địa phương xử lý.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có đề nghị Bộ GTVT đánh giá lại toàn diện yêu cầu lắp camera giám sát với xe kinh doanh vận tải. Do thực tế dữ liệu này chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chi phí tốn kém. VCCI tính toán, bình quân 1 xe lắp thiết bị camera và giám sát hành trình khoảng 17 triệu đồng, cả nước có hơn 200.000 xe tải, xe khách, xe container, chi phí lắp đặt lên tới hơn 1.160 tỷ đồng, chưa kể khoảng 240 tỷ đồng chi phí duy trì hằng tháng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, từ thực tế hoạt động hiện nay có thể thấy xe hợp đồng đang được phân loại thành 3 nhóm: Xe hợp đồng chuyên chở học sinh, công nhân, chuyên gia (xe thuê bao tháng); Xe chở khách phục vụ theo sự kiện đám cưới, đám hỏi, chở khách đi tham quan; Xe chở khách cá nhân, hoạt động và gom khách như xe khách liên tỉnh - loại hình này dư luận vẫn đang gọi là xe hợp đồng trá hình.

"Vấn đề nổi cộm và gây bức xúc cho dư luận của xe hợp đồng hiện nay nằm ở loại xe hoạt động đón khách cá nhân trá hình", ông Quyền nói.

Theo Chủ tịch VATA, xe hợp đồng là một hình thức rất đặc trưng, phục vụ nhu cầu di chuyển ổn định của nhiều đối tượng người dân là công nhân, chuyên gia, học sinh… Do vậy, không thể thay đổi chức năng, bản chất loại hình này chỉ vì một nhóm phương tiện hoạt động biến tướng mà cơ quan nhà nước không quản lý được.

“Nếu chỉ vì một nhóm phương tiện hoạt động trá hình mà gom vào bến xe hoạt động chung với vận tải liên tỉnh thì thật là khó hiểu và không thể thực hiện được”, ông Quyền nói.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, hiện tại, 6 bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận được 5.000 lượt xe mỗi ngày, trong khi đó, Hà Nội đang cấp phép cho khoảng trên 40 nghìn xe hợp đồng hoạt động. Do đó, nếu “gom” một phần xe hợp đồng vào bến xe thì sẽ xảy ra quá tải, "vỡ trận" các bến xe. Hơn nữa, mục tiêu, công năng theo quy định của bến xe khách là phục vụ hành khách liên tỉnh, không có chức năng là bãi đỗ cho xe hợp đồng, văn phòng (để nhà xe giao dịch, ký hợp đồng với khách). Nếu đưa xe hợp đồng vào hoạt động là phải sửa quy định, chức năng của bến xe khách liên tỉnh.

“Với những thực tế và yêu cầu này việc đưa xe hợp đồng vào bến xe liên tỉnh là khó thực hiện. Thay vì đưa ra các giải pháp, sáng kiến để quản lý số lượng xe hợp đồng đang hoạt động trá hình theo đúng quy định, cơ quan chức năng lại đưa ra những đề xuất ngược với quy định và Luật Giao thông đường bộ là không phù hợp. Chúng tôi cho rằng, đây là tối kiến”, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá.

Trả lời báo chí về việc trên, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu xét biểu đồ tuyến, lượt đã được cấp phép theo quy hoạch thì hầu hết các bến xe đã đạt ngưỡng, do vậy việc điều thêm lượt xe hợp đồng vào các bến xe khách liên tỉnh là khó xảy ra, vì bến xe không còn chỗ trống.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.