Quan hệ Nga-Trung lúc nước sôi lửa bỏng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo một nhà phân tích chính trị Úc, Trung Quốc hiện giữ thế thượng phong trong mối quan hệ với Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình không còn phải chuẩn bị chiều theo ý Mátxcơva.

“Đó là một quan hệ đối tác không bình đẳng và Trung Quốc đang ở vị trí thống trị trong mối quan hệ này”, CNBC ngày 16/9 dẫn lời ông Matthew Sussex, phó giáo sư từ Đại học Griffith (Úc). Ông Sussex cho rằng, hiện nay Nga cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Nga.

Quan hệ Nga-Trung lúc nước sôi lửa bỏng ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hôm 15/9. Ảnh: AP

Bình luận của phó giáo sư Sussex được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Uzbekistan, bên lề cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng Hai. Trong cuộc gặp, ông Tập bày tỏ rằng, Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Nga” để có thể hỗ trợ “lợi ích cốt lõi” của nhau, Xinhua đưa tin. Thông tấn xã Trung Quốc đã liệt kê các lĩnh vực hợp tác là thương mại, nông nghiệp và kết nối. Thương mại song phương đã lên mức kỷ lục, vượt 140 tỷ USD vào năm ngoái.

Tuy nhiên, phó giáo sư Sussex nhận định, quan hệ đối tác Trung - Nga có thể không nhất thiết phải bình đẳng. Trong khi Trung Quốc mua dầu giá rẻ từ Nga, Bắc Kinh luôn phủ nhận việc cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Mátxcơva. Ông Sussex giải thích, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có “một số lo ngại thực sự” về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đến nay, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 34.000 người, báo Mỹ New York Times đưa tin hồi tháng Tám.

Hỗ trợ mang tính biểu tượng

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tồn tại, phó giáo sư Pu Xiaoyu tại Đại học Nevada (Mỹ), nhận định. Theo ông Pu, liên minh này tồn tại để cả hai cường quốc có thể chống lại “quyền bá chủ của phương Tây”, một thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự thống trị của phương Tây - về mặt chính trị, xã hội hoặc kinh tế - trong cộng đồng toàn cầu. “Trung Quốc cần loại quan hệ đối tác chiến lược của Nga để đối trọng với bá quyền của phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục giao thương để duy trì một loại quan hệ kinh tế bình thường nào đó”, ông Pu nhận định.

Tháng trước, Nga và Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận chung kéo dài một tuần ở Biển Nhật Bản với các quân đội khác như Ấn Độ, Lào và Mông Cổ. Cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận chung trong những năm gần đây, bao gồm cả ở vùng Viễn Đông của Nga. Tuy nhiên, phó giáo sư Pu cho rằng, mối quan hệ này có những hạn chế.

“Trung Quốc sẽ không cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Nga. Tôi nghĩ Trung Quốc có những dè dặt riêng về cuộc chiến của Nga. Quan hệ đối tác Nga-Trung này không phải là một dạng liên minh quân sự. Nó là sự hỗ trợ mang tính biểu tượng”, ông nói. Trong cuộc gặp mặt hồi tháng Hai, ông Tập và ông Putin đã thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn”. Họ cam kết ủng hộ nhau về mặt ngoại giao và chính trị, đồng thời nhất trí không có vùng cấm trong hợp tác song phương.

Phó giáo sư Sussex cũng chỉ ra những lo ngại mà Bắc Kinh có thể có, thể hiện qua việc không sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Nga. Theo Tổng thống Ukraine, từ đầu tháng Chín, Ukraine đã chiếm lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ từ sự kiểm soát của Nga. Ông Sussex nói: “Tôi nghĩ rằng ông Tập có thể sẽ đứng bên lề trong tương lai gần. Điều này sẽ gây tổn thương đáng kể cho người Nga”. Theo ông, quan hệ đối tác “không giới hạn” thực sự là có giới hạn và ngày càng có nhiều giới hạn do Bắc Kinh đặt ra, chứ không phải Mátxcơva.

Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao “lập trường cân bằng” của Trung Quốc trong xung đột Nga-Ukraine, dù ông thừa nhận Bắc Kinh có “câu hỏi và lo ngại” về cuộc chiến, CNN đưa tin. Trong khi đó, ông Tập đánh giá cao việc Nga tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và nhấn mạnh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

MỚI - NÓNG